Chống chọi với hạn, mặn
Những ngày qua, hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bắt đầu gay gắt. Vùng Ngọt hóa Gò Công đang căng thẳng về nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Mặn lấn sâu đã đe dọa hàng ngàn ha vườn cây ăn trái ở các huyện Cai Lậy, Châu Thành.
Sáng 18-2, nhiều tuyến kinh lớn, nhỏ ở vùng Ngọt hóa Gò Công không còn nước. Các tuyến kinh chính dẫn nước về vùng Ngọt hóa Gò Công như Tham Thu, Trần Văn Dõng… đều đã cạn nước. Các máy bơm chuyền nước vào nội đồng của địa phương, máy bơm của những hộ dân sống dọc theo các tuyến kinh đang nằm chờ nước.
Giữa trưa nắng, ông Ngô Văn Chính (ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) cùng gia đình đặt lại cái máy bơm để bơm vét những nơi nước còn đọng lại vùng trũng trên kinh Tham Thu. Gia đình ông trồng 0,4 ha lúa được 55 ngày tuổi, đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng. Tuy vậy, nguồn nước dưới tuyến kinh đã cạn và chỉ còn vài chỗ sâu đọng lại nước.
Ông cùng với gia đình tranh thủ đặt máy giữa lòng kinh và bơm vét nước vào ruộng lúa. Ông Chính cho biết, bơm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nếu 10 ngày nữa, kinh tiếp tục cạn thì trà lúa sẽ bị thiệt hại.
Mưa cục bộ xuất hiện một số nơi
Chiều 17-2, một số nơi ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy xuất hiện mưa trái mùa và cục bộ. Đặc biệt, xã Phú Phong (huyện Châu Thành), xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), mưa ướt đất và đọng vũng trên mặt đường. Nhiều hộ dân cho biết, mưa không to nhưng cũng giải nhiệt phần nào trước tình hình nắng nóng gay gắt vừa qua.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, cơn mưa trái mùa vào chiều 17-2 diễn ra cục bộ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Lượng mưa không đáng kể. Nguyên nhân xuất hiện mưa trái mùa là do nhiễu động thời tiết. Tuy nhiên, nắng nóng sẽ trở lại sau trận mưa trái mùa này.
Còn tại huyện cuối nguồn ngọt hóa là Gò Công Đông, tình hình nước dưới tuyến kinh phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) đang phải dùng nước máy để tưới cho 0,2 ha cải xanh được 10 ngày tuổi. Ông cho biết, tranh thủ lúc khuya, gia đình lấy nước máy chứa vào các lu dự trữ để tưới rau cho ngày hôm sau. Bởi nước dưới kinh đã cạn kiệt, còn nguồn nước máy cũng đang khá yếu.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, một số tuyến kinh tỉnh quản lý trên địa bàn huyện đã không còn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, trà lúa trên địa bàn ở giai đoạn trổ đều chiếm diện tích khá lớn. Những diện tích này cần từ 1 - 2 đợt nước nữa. Nếu khoảng 10 ngày nữa, nguồn nước không có cung cấp cho các ruộng lúa này thì thiệt hại sẽ xảy ra. Hiện một số nơi cặp đê các xã Phước Trung, Tân Hòa, Tân Thành, Kiểng Phước, Tân Phước…, trà lúa có dấu hiệu bị ảnh hưởng do mặn sắc lại.
Do ảnh hưởng của kỳ triều cường rằm tháng Giêng, kết hợp gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh đã làm độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Hàm Luông tăng nhanh và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm vào các ngày 11 đến 15-2.
Theo đó, trên sông Tiền tại Bến đò Hòa Định (cách cửa sông khoảng 34 km), độ mặn cao nhất đo được 8,3 g/l (ngày 11-2); tại cống Xuân Hòa (cách cửa sông khoảng 42 km) là 5,55 g/l (ngày 13-2); tại cầu Phú Phong (cách cửa sông khoảng 64 km) 4,26 g/l (ngày 15-2); tại vàm Ba Rài (cách cửa sông khoảng 97 km) 2,22 g/l (ngày 13-2).
Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn, độ mặn cao nhất lúc 7 giờ ngày 17-2 tại cống Vàm Giồng là 4,5 g/l, Bến đò Hòa Định 4,6 g/l, cống Xuân Hòa 3,41 g/l, cầu Bình Đức 3,04 g/l, cầu Xoài Hột 3,5 g/l, cầu Đồng Tâm 1,63 g/l, cầu Kim Sơn 3,46 g/l, Bến đò Tam Bình 0,71 g/l, phà Ngũ Hiệp 0,26 g/l...
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202002/chong-choi-voi-han-man-892548/