Chống chọi với ô nhiễm không khí

Ngay từ đầu mùa đông năm nay, nhiều quốc gia châu Á đã rơi vào cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Người dân có nguy cơ tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở mọi nơi, từ những người đi bộ, người điều khiển xe mắc kẹt trong giờ cao điểm hay ở vùng nông thôn đốt củi để sưởi ấm.

Trên một con đường ngoại ô Delhi (Ấn Độ).

Trên một con đường ngoại ô Delhi (Ấn Độ).

Suốt tháng 11, các nước Nam Á (trong đó có Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh) phải chịu đựng ô nhiễm không khí ở mức rất cao. Chất lượng không khí kém ở khu vực này thường là do khí thải công nghiệp, đốt rác thải nông nghiệp. Việc đốt nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm ở nông thôn, đặc biệt là trong những ngày nhiệt độ thấp đã làm tăng thêm ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí đôi khi không có giới hạn về biên giới, trong mùa đốt rơm rạ sau thu hoạch, khói từ Nepal có thể tràn sang Bangladesh.

Khói và sương mù hình thành khi các chất gây ô nhiễm ở mặt đất, như các hạt vật chất nhỏ, sulfate, nitrate và các hóa chất độc hại khác kết hợp với sương mù dưới ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh cấp tính như hen suyễn và những vấn đề về hô hấp, đồng thời gây suy yếu chức năng phổi. Tiếp xúc về lâu dài có thể phát sinh các bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, đột quỵ, bệnh tim... Điều này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và những người trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia của IQAir, một tổ chức giám sát không khí của Thụy Sĩ cho rằng, các quốc gia Nam Á sẽ khó lòng tránh được tình trạng ô nhiễm không khí khi mà các nỗ lực khắc phục hầu như không hiệu quả.

IQAir cũng cho rằng Ấn Độ là quốc gia châu Á có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Ngày 19/11 vừa qua là ngày “đáng nhớ” với cư dân vùng Greater Noida, ngoại ô Delhi của Ấn Độ. Sương mù dày nặng, bụi lờ mờ khắp không gian. Cô Kajal Rajak - con gái ông Rajak vội vã đưa bố đến phòng khám vì lo lắng về tình trạng sức khỏe đang xấu đi nhanh chóng của ông. Ngồi trong phòng chờ, người đàn ông 64 tuổi nói rằng ông cảm thấy rất khó thở và không ngừng ho. Ông Rajak rất khốn khổ vì khói bụi làm bệnh hen suyễn của ông trầm trọng hơn.

Phòng khám chuyên khoa tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya của thủ đô Delhi được thành lập vào năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng do bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Mùa đông đến, một lớp sương mù độc hại bao phủ biến ngày thành đêm, che khuất các tòa nhà. Cô Kajal Rajak nói rằng nhiều ngày liền cảm giác cổ họng như đang bị thiêu đốt.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức ông Atishi, nhân vật cấp cao của chính quyền Delhi chia sẻ, thành phố đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, kêu gọi người dân ở trong nhà khi mà một số khu vực của Delhi ghi nhận mức độ ô nhiễm vượt 1.750 theo thang đo Chỉ số chất lượng không khí. Trong khi mức độ trên 300 được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

Hôm 20/11, chỉ số ô nhiễm đã đạt mức nguy hiểm nhất. Trong khi nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 77 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Khi hít vào, PM2.5 di chuyển sâu vào mô phổi, có thể xâm nhập vào máu và gây bệnh hen suyễn, bệnh tim, phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như làm suy giảm nhận thức ở trẻ em.

“Tôi cảm thấy mắt cay xè” - ông Mohammad Ibrahim, lái xe lâu năm ở thành phố Delhi cho biết và nói thêm “Khi về nhà vào buổi tối, rửa mặt và chân tay, có thứ gì đó màu đen chảy ra từ mũi tôi”.

Còn một cựu quân nhân Không quân Ấn Độ, ông Aditya Kumar Shukla, 65 tuổi nói: “Bạn không thể làm gì để tự cứu mình khỏi ô nhiễm, ngay cả khi bạn ở trong nhà, ô nhiễm cũng sẽ len lỏi vào bên trong vì không khí rất bẩn”. Ông Shukla đã phải vào Bệnh viện Batra ở Delhi để điều trị bệnh hen suyễn 3 lần trong hơn 1 tháng.

Ngày 30/11, tại phòng khám điều trị các bệnh do ô nhiễm, tiến sĩ Amit Jindal cho biết ông và đồng nghiệp đã chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể số bệnh nhân mắc các vấn đề về ngực và phổi. Ông xác nhận sự gia tăng này có liên quan trực tiếp đến khói bụi. Nhiều bệnh nhân bị ho dai dẳng, gặp các vấn đề về ngực, phổi và mắt. Trong khi đó, tiến sĩ Gaurav Jain, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Batra cho biết những người làm việc gần khu vực bụi bặm, phổi của họ sẽ bị suy nhược. Họ bị khó thở ở độ tuổi khá sớm so với người bình thường và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.

Mới đây, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền Delhi thiết lập các trạm kiểm soát trên tất cả 113 tuyến đường nhằm ngăn chặn các phương tiện gây ô nhiễm vào thành phố. Thủ đô Delhi với dân số hơn 30 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chỉ số ô nhiễm tăng gấp hơn 60 lần so với giới hạn khuyến nghị của WHO. Chính quyền vùng Delhi đã thực hiện một số biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí vào mùa đông, nhưng hiệu quả không cao. Một nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet cho thấy ô nhiễm không khí đã gây ra 1,67 triệu ca tử vong sớm tại Ấn Độ vào năm 2019.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chong-choi-voi-o-nhiem-khong-khi-10295683.html