Chống chuyển giá không phân biệt doanh nghiệp nội, ngoại
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng, không chỉ doanh nghiệp FDI mới chuyển giá mà doanh nghiệp nội cũng hoạt động chuyển giá.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh: "Không chỉ doanh nghiệp FDI mới chuyển giá mà doanh nghiệp nội cũng hoạt động chuyển giá"
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vừa được Chính phủ ban hành sẽ góp phần chống thất thu ngân sách qua hoạt động chuyển giá.
Giữ nguyên tỷ lệ khống chế lãi vay 30%
Cả nước hiện có trên 16.500 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tuy nhiên chỉ có khoảng 8.000 doanh nghiệp kê khai có thực hiện hoạt động giao dịch liên kết. Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020) về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng 10 tháng đầu năm qua hoạt động thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp và kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, cơ quan thuế các cấp đã kiến nghị xử lý trên 49.473 tỷ đồng, bằng gần 119% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, tăng thu gần 14.591 tỷ đồng; giảm lỗ 33.466,78 tỷ đồng.
“Riêng đối với các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra được 263 doanh nghiệp truy thu, truy hoàn và phạt hơn 525 tỷ đồng; giảm lỗ gần 9.043 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4,74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.191 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 278,82 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 3.366tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu gần 3.126 tỷ đồng”, ông Minh cho biết.
Còn năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra 579 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.164 tỷ đồng; giảm lỗ 5.854 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.918 tỷ đồng. Năm 2018, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.637,88 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.291,72 tỷ đồng.
Theo ông Minh, những số liệu kể trên đã khẳng định Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, quy định về khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam vốn mỏng, hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay. Vì vậy, ngày 24/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Để vừa bảo đảm quản lý chặt hành vi lợi dụng giao dịch liên kết để gian lận thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Nghị định 132/2020 thay thế Nghị định 20/2017 và Nghị định 68/2020 kế thừa toàn bộ mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay theo Nghị định 68/2020 và những quy định còn phù hợp của Nghị định 20/2017. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi chuyển giá, Nghị định 132/2020 đưa ra nhiều quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam”, ông Minh cho biết.
Tinh thần của Nghị định 132/2020 là không phân biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay doanh nghiệp FDI trong việc chống chuyển giá
Theo ông Minh, quy định này không phải là gây khó khăn cho doanh nghiệp mà vì trên thực tế không chỉ có doanh nghiệp FDI mới chuyển giá mà doanh nghiệp cũng hoạt động chuyển giá.
Còn ưu đãi thuế thì còn chuyển giá
“Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam hiện nay có nhiều loại ưu đãi, mức độ ưu đãi, thời gian ưu đãi căn cứ vào địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư… Giữa doanh nghiệp được ưu đãi và doanh nghiệp không được ưu đãi phải chịu thuế suất thuế TNDN khác nhau nên để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nội địa cũng thực hiện chuyển giá từ doanh nghiệp có thuế suất cao sao doanh nghiệp có thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế”, ông Minh giải thích.
Cũng theo ông Minh, thậm chí doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn, tổng công ty cũng có hiện tượng chuyển giá vì rất nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên nhiều địa bàn nên trong trường hợp ngành nghề, địa bàn nào đó có ưu đãi thuế thì hiện tượng chuyển giá sẽ diễn ra.
“Thậm chí không có sự chênh lệch về thuế suất thues TNDN nhưng trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, có doanh nghiệp bị lỗ, có doanh nghiệp lãi thì vẫn có sự chuyển giá từ doanh lãi sang bị lỗ để giảm thiểu số thuế phải nộp của tập đoàn, tổng công ty. Vì vậy, phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, muốn hạn chế tối đa hoạt động chuyển giá cần phải chấm dứt ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN.
“Tổng số thuế TNDN được ưu đãi hàng năm ước vào khoảng 7% tổng số thu ngân sách nhà nước từ sắc thuế này. Ngân sách nhà nước giảm thu rất lớn nhưng lại không công bằng vì chỉ có doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI mới được hưởng chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN và thực tế cho thấy, áp dụng chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư cả trong nước lẫn FDI là cuộc cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương trong nước với nhau và giữa các nước trong khu vực với nhau vì vừa khiến ngân sách thất thu, vừa tạo kẽ hở cho hoạt động chuyển giá”, bà Hương bình luận.
Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tân cũng thừa nhận còn có có ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN thì còn có chuyển giá.
“Vấn đề này đã được Bộ Tài chính và cơ quan thuế phát hiện từ lâu, nhưng trong bối cảnh tất cả các quốc gia có điều kiện như hoặc hơn ta đều giảm thuế, ưu đãi đầu tư, trải chiếu hoa để đón đầu dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc hậu Covid-19 nếu Việt Nam bỏ các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn quốc gia khác. Việt Nam được nhiều doanh nghiệp FDI đánh giá là địa điểm hấp dẫn khi rời khỏi Trung Quốc nhưng không phải là địa điểm duy nhất để đầu tư vì các nước xung quanh cũng muốn đón nguồn vốn đầu tư này. Đúng là còn ưu đãi thuế TNDN thì còn chuyển giá nhưng không vì thế mà bỏ chính sách ưu đãi nên chúng ta vừa thực hiện ưu đãi vừa chống chuyển giá. Nghị định 132/2020 đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế của Việt Nam để tăng cường công tác chống chuyển giá”, ông Tân nhấn mạnh.