Chồng của bác sĩ đang chống dịch ở New York: 'Xin hãy bảo vệ vợ tôi'

'Tôi có một thỉnh cầu: Giống như người lính cần áo giáp để ra trận, xin đừng đưa vợ tôi vào cuộc chiến mà không có thiết bị bảo hộ. Hãy bảo vệ cô ấy'.

Tôi chưa từng tưởng tượng ra rằng mình và vợ sẽ nói về cái chết ở tuổi 30.

Vợ tôi là một bác sĩ khoa nội đã được lựa chọn để đến Bệnh viện New York (Mỹ) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.

"Nếu em phải dùng máy thở, em không muốn anh đến thăm và cũng không muốn bố mẹ đến. Em không muốn lây bệnh cho mọi người", cô ấy đã nói một cách vô cùng nghiêm túc.

Và đó là khoảnh khắc tôi cảm thấy sợ nhất.

 Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tại lều kiểm dịch ở New York. Ảnh: AP.

Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tại lều kiểm dịch ở New York. Ảnh: AP.

GI Jane là một bác sĩ thông minh và nhân hậu. Giống như các bác sĩ khác, cô ấy đã tuyên thệ chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng như Covid-19. Dù vợ tôi có thể cứu sống vô số người, tôi vẫn lo lắng cho sức khỏe của cô ấy.

Giờ đây, tôi đã phần nào mường tượng ra cảm giác phải tiễn người mình yêu xung trận. Tôi lo lắng khi nghĩ về "chiến trường" nơi vợ mình sắp bước vào.

Tôi có một thỉnh cầu: Giống như người lính cần áo giáp để ra trận, xin đừng đưa vợ tôi vào cuộc chiến mà không có thiết bị bảo hộ. Hãy bảo vệ cô ấy.

Khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt quá 100.000 người, có một sự thiếu hụt đáng sợ về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) dành cho nhân viên y tế. Khẩu trang N95, tấm chắn mặt đều cạn kiệt nhanh chóng.

Các bác sĩ buộc phải dùng đến những cách không đúng tiêu chuẩn để phòng dịch, bao gồm tái sử dụng khẩu trang nhiều lần.

Khi vợ tôi làm việc vào tuần trước, bệnh viện chỉ cho cô ấy một chiếc khẩu trang y tế để sử dụng trong ngày. Loại khẩu trang này cũng không đủ để ngăn chặn virus.

Khi nhiều bệnh nhân dương tính, khả năng phơi nhiễm tăng lên đối với tất cả nhân viên y tế và nguy cơ lây bệnh còn cao hơn với những người thường xuyên thực hiện các thao tác như đặt nội khí quản và nội soi.

Đó là những việc vợ tôi thường xuyên làm. Hoàn toàn nguy hiểm nếu không có sự bảo vệ, không chỉ đối với vợ tôi và các đồng nghiệp của cô ấy mà còn đối với các y tá, bác sĩ gây mê và nhân viên dọn dẹp giữa các ca bệnh. Ngoài ra, gia đình của họ và bất cứ ai khác mà họ gặp cũng không được an toàn.

 Nhiều bác sĩ làm việc trong tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ. Ảnh: Getty.

Nhiều bác sĩ làm việc trong tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ. Ảnh: Getty.

Nhìn vào Italy ngày hôm nay, tôi chợt rùng mình. Các bác sĩ đã chết vì tiếp xúc với virus khi thiếu thiết bị bảo hộ. Phải chờ đến khi các bác sĩ Mỹ thiệt mạng như vậy, chúng ta mới có giải pháp ư?

Chính phủ liên bang đã phản ứng chậm chạp để giải quyết khủng hoảng dù đã biết có thể xảy ra đại dịch từ tháng 1. Các tiểu bang được yêu cầu tự mua máy thở và các thiết bị bảo vệ thay vì chính phủ liên bang mua số lượng lớn các mặt hàng đó rồi chuyển cho họ.

Đây là một cuộc khủng hoảng đòi hỏi phản ứng tập trung, phối hợp. Chính phủ liên bang có nghĩa vụ tổ chức, mua và phân phối đủ thiết bị để đảm bảo an toàn cho những người ở tuyến đầu.

Tôi lạc quan hơn khi đọc tin tức rằng nhiều người, các công ty đang tập hợp để hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế hay đội quân tiền tuyến. Họ thu gom khẩu trang ở những nơi dư thừa để cung cấp cho những nơi đang bị thiếu thốn hay có nhu cầu ngày càng tăng.

Tôi cũng rất vui khi quản lý khu chung cư của chúng tôi lùng sục để tìm khẩu trang N95 còn sót lại khi làm vách thạch cao gần đây...

Một lần nữa, xin hãy bảo vệ vợ tôi, các bác sĩ, y tá và tất cả các chuyên gia dũng cảm đang đặt bản thân vào tình thế nguy hại để chăm sóc cộng đồng. Vợ tôi có năng lực cứu sống mọi người trong cuộc khủng hoảng này. Tôi chỉ muốn chính quyền liên bang quan tâm cô ấy hơn một chút.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chong-cua-bac-si-dang-chong-dich-o-new-york-xin-hay-bao-ve-vo-toi-post1065515.html