Chống dịch tránh nóng vội, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phòng, chống dịch gắn với an sinh xã hội và phải coi như 'cuộc kháng chiến trường kỳ', do vậy cần tính toán nguồn lực dài hơi.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội sáng 21-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Nhân dân, cử tri cả nước đang mong đợi hai quyết sách quan trọng trong kỳ họp này. Cụ thể là tới đây phòng chống dịch thế nào và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội ra sao?
Ông Vương Đình Huệ cho biết trước kỳ họp Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã có nhiều hoạt động trao đổi, tọa đàm, lắng nghe ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp… để tìm lời giải tốt nhất cho hai câu hỏi trên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã thống nhất xây dựng Chiến lược, Kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID– 19. Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.
Để làm được như vậy, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá thời gian qua, câu chuyện vaccine của chúng ta có chậm nhưng đến nay tốc độ tiêm tiến bộ hơn các nước. “Các nước họ ngại tiêm vaccine, ta có vaccine tiêm ngay nên hy vọng tỉ lệ phủ vaccine của mình sẽ sớm hơn”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh dịch COVID-19 là “chưa có tiền lệ”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tình trạng có lúng túng, thiếu nhất quán là có thể chia sẻ được. Quan trọng là rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước.
Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể...
Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Theo ông, để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tổ chức thực hiện phải có nguồn lực, tiếc là đến nay do vấn đề chuẩn bị nên nội dung này chưa thể thông qua tại kì họp này. “Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ tính đến việc xin ĐBQH tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này, không để đến tháng 5-2022 sẽ lỡ nhịp”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID - 19, Chủ tịch Quốc hội cho biết tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông…
Ông nhấn mạnh phòng, chống dịch gắn với an sinh xã hội và phải coi như “cuộc kháng chiến trường kỳ”, do vậy cần tính toán nguồn lực dài hơi, nếu không sẽ khó khăn.
Quá trình triển khai các chính sách tránh trục lợi, lợi ích nhóm
Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất. Cụ thể, cần chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó.
Đồng thời, phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.
Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023.
Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư.
Năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...
Đồng thời, đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị trước khi có gói chính sách mới, phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỉ đồng và đang phát huy hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý trong quá trình triển khai các chính sách cần bảo đảm hiệu quả, tránh trục lợi, lợi ích nhóm.