Chồng địu con để vợ đi học lớp xóa mù chữ

Hình ảnh anh Lý Á Pó đứng địu con thập thò trước cửa lớp học, thi thoảng lại hỏi vợ 'đã biết viết chưa?' khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng cảm động.

 Anh Lý Á Pó (xã Tam Chung, Mường Lát) trông con cho vợ đi học

Anh Lý Á Pó (xã Tam Chung, Mường Lát) trông con cho vợ đi học

Những lớp học đặc biệt

Đã hơn 2 tháng tháng kể từ ngày tham gia lớp học xóa mù chữ, đến nay chị Thào Thị Mo (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) đã có thể ghép vần đơn giản dù phải đưa theo cậu con trai còn chưa đầy năm cùng đến lớp. Đó là sự nỗ lực của cả hai mẹ con chị trên hành trình đi tìm "cái chữ" với ước mong thay đổi cuộc đời.

Chị Thào Thị Mo (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) ngày ngày đến lớp học xóa mù chữ cùng cậu con trai nhỏ trên lưng

Chị Thào Thị Mo (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) ngày ngày đến lớp học xóa mù chữ cùng cậu con trai nhỏ trên lưng

Là một phụ nữ Mông sinh sống tại xã miền núi Tam Chung thuộc huyện Mường Lát - một trong những địa bàn miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, chị Thào Thị Mo cũng như phần lớn những cô gái khác: lấy chồng từ sớm, chẳng được học hành nhiều, lại sinh con khi chưa trưởng thành, cuộc sống quanh quẩn ở vòng tròn của sự đói nghèo và lạc hậu. "Ngày xưa không được đi học nên không nói được tiếng phổ thông. Bây giờ các cán bộ đến động viên đi học, mình cố gắng đi để còn biết thêm cái chữ" - chị Mo chia sẻ qua người "thông ngôn" là một cán bộ Hội LHPN xã.

Theo chân chị Mo, chúng tôi có mặt tại lớp học xóa mù chữ của xã Tam Chung vào khoảng khoảng 18h45. Mọi người tranh thủ hỏi han nhau, lớn bé cùng ôn bài rất rôm rả. Ngay sau đó ít phút, thầy giáo đứng lớp là các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung (huyện Mường Lát) có mặt. Hành trang các "thầy" mang theo không chỉ có giáo án mà còn có tập vở mới và một ít bút chì mang tặng những người trong lớp học.

Đúng giờ (19h), lớp học bắt đầu điểm danh. "Lớp ta hôm nay sĩ số 36/37, chỉ vắng 1 bạn do đang bị ốm" - "thầy" Đào Nguyên Túc bắt đầu buổi học. "Chúng ta cùng ôn lại bài nhé. A... dờ a da..., o... bờ o bo huyền bò, da bò"... cứ thế, phía trên có một thầy giáo giảng dạy mặt chữ và cách phát âm, phía dưới một thầy giáo cẩn thận đi từng bàn uốn nắn học sinh viết từng nét chữ.

Đại úy Đào Nguyên Túc (Đồn Biên phòng xã Tam Chung, huyện Mường Lát) trực tiếp đứng trên bục giảng tại lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ

Đại úy Đào Nguyên Túc (Đồn Biên phòng xã Tam Chung, huyện Mường Lát) trực tiếp đứng trên bục giảng tại lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ

Theo chia sẻ của bà Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát, nhằm cụ thể hóa các kế hoạch của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", từ cuối năm 2023, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) tổ chức rất nhiều lớp học xóa mù chữ cho bà con trên địa bàn huyện.

Trong nhiều năm qua, tình trạng người dân không biết chữ, đặc biệt là tái mù chữ diễn ra rất nhiều trên địa bàn. Chúng tôi hy vọng thông qua các lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật sẽ diễn ra thuận lợi hơn, góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm, mang đến cho bà con tương lai tươi sáng hơn trong thời buổi xã hội phát triển không ngừng như hiện tại.

Bà Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

Để có được con số 37 người đi học tại một lớp xóa mù chữ ở huyện miền núi, công cuộc tổ chức, vận động người dân không hề dễ dàng. Đại úy Đào Nguyên Túc - Đồn Biên phòng Tam Chung - cho biết, các chiến sĩ của Đồn đã có ít nhất 3 lần cùng cán bộ Hội phụ nữ đi đến các nhà dân vận động.

"Ban đầu, chỉ có 7 người đăng ký học. Chúng tôi bèn đến từng cụm dân cư nhỏ để phối hợp tuyên truyền pháp luật. Sau đó, các chiến sĩ biên phòng và cán bộ Hội phụ nữ cùng tổ chức một vài chương trình giao lưu văn nghệ với bà con. Thông qua các hoạt động đó, mình mới giới thiệu cho họ biết ở các thôn bản khác, đã có nhiều lớp học chữ được tổ chức rồi, lợi ích của việc học ra sao, đi học thì cuộc sống thay đổi thế nào. Cứ thế, khi bà con đã tự tìm hiểu lẫn nhau, con số học viên đăng ký cũng tăng lên dần. Từ 7 người lên 23, 27 rồi 33 người có mặt hôm khai giảng. Đến hôm nay, lớp học tiếp tục tăng lên 37 người" - Đại úy Đào Nguyên Túc phấn khởi cho hay.

Một trong những cặp vợ chồng cùng tham gia lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ tại xã Tam Chung (huyện Mường Lát)

Một trong những cặp vợ chồng cùng tham gia lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ tại xã Tam Chung (huyện Mường Lát)

Theo đó, học viên tham gia lớp học cũng rất đa dạng. Nhiều em đang trong độ tuổi thanh thiếu niên đã từng biết chữ nhưng vì hoàn cảnh cá nhân dẫn đến bỏ học, nay cũng tìm đến học chữ. Số còn lại chủ yếu là phụ nữ và nam giới trưởng thành. Người lớn tuổi nhất năm nay đã 46 tuổi. Lớp học có tới 3 cặp là vợ chồng và vô số những người mẹ cùng đưa theo con đến lớp xóa mù chữ giữa màn đêm mịt mùng của núi rừng phía tây Thanh Hóa.

Thành quả ấm lòng

Vừa kiên nhẫn chỉ dạy cho học sinh, Đại úy Đào Nguyên Túc vừa chia sẻ, ở một cương vị không giống với công việc hàng ngày, ban đầu anh không khỏi bối rối và hơi "run" khi được Chỉ huy đơn vị và Hội LHPN huyện giao phó nhiệm vụ.

Khi mới đến lớp, tôi thực sự rất xót xa nhìn danh sách có những người đã gần 50 tuổi vẫn không biết chữ. Vì vậy, tôi đã dành thời gian nghiên cứu nhiều tài liệu, tham khảo kinh nghiệm của một số thầy cô "cắm bản" và chuẩn bị một giáo án riêng để dạy học tại lớp đặc biệt này"

Đại úy Đào Nguyên Túc - Đồn biên phòng xã Tam Chung (Mường Lát)

Để công tác dạy và học có hiệu quả, lớp sẽ có thêm 1-2 thầy giáo trực tiếp hướng dẫn, uốn nắn từng nét chữ, cách phát âm cho học viên ở phía dưới lớp học. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng cùng chương trình học thiết thực của Hội LHPN huyện và Đồn Biên phòng Tam Chung, sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay nhiều học viên trong lớp đã tiến bộ rõ rệt.

Em Va Thị Bâu (19 tuổi) - lớp trưởng của lớp học đặc biệt này - cho biết, em từng học hết lớp 8 THCS, sau đó nghỉ học lấy chồng rồi cứ thế ở nhà sinh con và làm việc nương rẫy. Nhìn chồng vẫn được đi học, sau này đi bộ đội, Bâu cũng mong mỏi được quay lại trường. Nhờ có lớp học xóa mù chữ, Bâu như được trở lại những năm tháng tươi đẹp của tuổi học trò dù không có nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhờ tiếp thu tốt hơn nên Bâu cũng tham gia cùng các "thầy" trong việc truy bài đầu giờ để mọi người ôn tập.

Nhìn những gương mặt ngượng ngùng, những đôi tay cầm bút còn nguệch ngoạc nhưng vẫn miệt mài luyện tập, nhiều người không khỏi xót xa trước thực trạng mù chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng bên cạnh đó, nhiều tia hy vọng cũng đã lóe lên khi người dân tích cực thay đổi và chiu khó học hỏi từ đây. Như hình ảnh anh Lý Á Pó đứng địu con thập thò trước cửa lớp học, thi thoảng lại hỏi vợ "đã biết viết chưa?" khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng cảm động.

Chị Hoàng Thị Cam - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Chung (Mường Lát) - chia sẻ: "Thành công lớn nhất của chương trình này không chỉ là mang đến cái chữ cho hội viên, phụ nữ mà chúng tôi đã tuyên truyền, vận động được cả những người chồng, người cha cùng đồng ý và động viên vợ con đi học. Điều này sẽ là tiền đề để nhiều gia đình cùng học hỏi lẫn nhau, góp phần giúp phụ nữ và các trẻ em gái tiến gần hơn tới bình đẳng giới, trước hết là trong giáo dục".

Dự kiến lớp học sẽ kết thúc sau 6 tháng. Bà Hà Thị Nhơn cho biết: "Nhìn thấy sự tiến bộ của các chị em lớn tuổi vẫn kiên nhẫn ngồi học, chúng tôi rất xúc động. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng để tổ chức thêm nhiều lớp học, giúp các hội viên, phụ nữ và các trẻ em là người DTTS trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn, các con đỡ đầu của Hội được tham gia học tập".

Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Mường Lát sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng trên địa bàn huyện tổ chức thêm nhiều lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ để góp phần giúp bà con thay đổi cuộc sống thông qua tri thức

Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Mường Lát sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng trên địa bàn huyện tổ chức thêm nhiều lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ để góp phần giúp bà con thay đổi cuộc sống thông qua tri thức

Buổi học dự kiến sẽ kết thúc lúc 21h. Có lẽ đã sắp đến giờ ngủ của những đứa trẻ nên thi thoảng, trong âm thanh ê a đọc bài của học viên lại chen vào mấy tiếng khóc oe oe của cậu bé đang nằm sau lưng chị Thào Thị Mo. Khẽ chuyển tay bế con rồi cho con bú, chị Mo ru con ngủ bằng cách lẩm nhẩm ghép từ đơn mà thầy giáo vừa dạy. Không rõ cậu bé có cảm nhận được điều gì hay không nhưng hy vọng khi lớn lên, biết những nỗ lực của mẹ mình, cậu sẽ tiếp bước mẹ thay đổi cuộc đời thông qua tri thức.

Phóng sự của An Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chong-diu-con-de-vo-di-hoc-lop-xoa-mu-chu-20240613164407151.htm