Chống đói cho trâu, bò mùa nắng nóng

Thiếu cỏ, người dân dùng phụ phẩm nông nghiệp bổ sung thức ăn cho bò - Ảnh: THỦY TIÊN

Nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng liền làm cho hầu hết đồng cỏ khô cháy, thức ăn cho gia súc cạn kiệt. Người chăn nuôi phải tìm kiếm nguồn thức ăn bổ sung, không để gia súc suy kiệt vì đói và nắng nóng.

Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh có khoảng 203.000 con, tập trung nhiều nhất ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân (chiếm tới 40%). Phần lớn đàn bò được nuôi tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng phương thức chăn thả rông, phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên nên những tháng vừa qua, khi thời tiết khô hạn, đồng cỏ tự nhiên khô cháy khiến nguồn thức ăn cho trâu, bò trở nên thiếu hụt.

Thiếu thức ăn, nước uống

Mí Thoan ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Đàn bò nhà tôi hiện có 11 con, lâu nay thức ăn cho bò phụ thuộc hoàn toàn vào đồng cỏ xen giữa các rẫy keo của gia đình. Mấy tháng nay, trời không mưa, rẫy keo khô cháy nên không còn cỏ, vì vậy mỗi ngày tôi phải đưa bò đến các khu đất trũng ven sông, hồ để tìm thức ăn nhưng lượng cỏ này cũng chỉ đủ cho bò cầm cự chứ không đủ no.

Tương tự, để có cỏ cho bò, nhiều ngày nay, gia đình Y Báo ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), cũng phải lùa bò đi ăn từ lúc mặt trời chưa mọc. Theo Y Báo, đàn bò nhà ông có hơn chục con, mỗi ngày phải đi hơn cây số đến dọc các bờ suối để tìm thức ăn. Do phải đi xa nên đàn bò càng mất sức, ốm yếu hẳn.

Ông Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Tổng đàn bò toàn huyện có khoảng 18.000 con, được nuôi nhiều nhất ở các xã Ea Lâm, Ea Bá và Ea Trol. Đây là những xã đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi hộ dân ở đây nuôi khoảng 10 con bò, chủ yếu giống bò cỏ với phương thức chăn thả rông, phụ thuộc đồng cỏ tự nhiên xen lẫn trong ruộng rẫy. Vì vậy khi thời tiết khô hạn, đồng cỏ tự nhiên không còn, đàn bò bị thiếu hụt nguồn thức ăn.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Toàn huyện có khoảng 28.000 con bò, nuôi nhiều nhất ở các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Phước và Đa Lộc. Hiện bò là đối tượng nuôi chính ở địa phương. Tại các xã người Kinh sinh sống, bà con hầu hết đã chuyển sang nuôi bò lai với hình thức bán công nghiệp, nuôi nhốt tại chuồng và trồng cỏ lấy thức ăn. Riêng một số vùng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Đa Lộc, Phú Mỡ..., người dân vẫn giữ tập quán chăn thả rông nên bò thường xuyên bị thiếu thức ăn, nhất là mùa khô, nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp.

Không chỉ thiếu thức ăn, vì khô hạn kéo dài nên nguồn nước cũng đang cạn kiệt khiến gia súc bị thiếu nước uống. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thôn Phước Hậu, xã An Hiệp (huyện Tuy An), cho biết: Nắng nóng lâu ngày nên hầu hết giếng nước trong vùng đã khô cạn, chỉ một vài giếng khoan sâu là còn nước. Bà con phải mua nước từ các giếng này về dùng và cho bò uống hàng ngày. Suốt mấy tháng qua, mỗi ngày tôi tốn vài chục ngàn đồng để mua nước và rơm cho bò nên không kham nổi đành phải bán bò.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Để hạn chế tình trạng thiếu đói trên đàn gia súc, các địa phương đã hướng dẫn, yêu cầu người dân tìm kiếm, bổ sung thêm nhiều loại thức ăn khác cho vật nuôi. Bà Trần Thị Hoa ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi tận dụng diện tích đất bãi bồi dọc sông để trồng cỏ. Nhờ vậy mấy tháng qua, đàn bò có nguồn thức ăn bổ sung. Ngoài ra, với 6 sào lúa thu hoạch vụ trước, tôi đã gom rơm về tích trữ nên bò cũng còn đủ thức ăn qua mùa khô hạn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trong điều kiện thời tiết hiện nay, việc trồng cỏ lấy thức ăn cho bò chỉ thực hiện được tại những vùng có nước. Vì vậy, nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, đọt mía, sắn, thân bắp... Địa phương cũng đã hướng dẫn cho những hộ chăn nuôi các biện pháp ủ chua phụ phẩm nông nghiệp để tích trữ làm thức ăn cho bò.

Còn tại các vùng đồng bằng, nhiều hộ nấu cháo cám gạo, muối... cho bò ăn để tăng sức khỏe. Ông Nguyễn Sáu ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho hay: Mùa này nắng quá, bò ăn ít nên sức khỏe giảm, vì vậy mỗi tuần gia đình tôi cho bò ăn cháo cám gạo bổ sung muối khoáng một lần để giúp bò có sức, phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, gia súc thường suy kiệt sức khỏe, dễ nhiễm các loại dịch bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn và nước uống, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin cho gia súc; đồng thời nên hạn chế chăn thả gia súc trong lúc nắng cao điểm để tránh bị kiệt sức. Đối với những vùng khô hạn không có cỏ, người dân cần chủ động tìm kiếm thêm các nguồn thức ăn thay thế từ phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung chất thô xơ cho vật nuôi.

Người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn và nước uống, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin cho gia súc; đồng thời nên hạn chế chăn thả gia súc trong lúc nắng cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/224906/chong-doi-cho-trau-bo-mua-nang-nong.html