Chồng đóng sập cửa bỏ đi khi vợ lên tiếng và bài học về 'quyền tranh luận' của phụ nữ trong hôn nhân
Sự tranh cãi thật sự rất có lợi. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra toàn bộ những khúc mắc, những uất ức để nói. Hai bên lắng nghe nhau, giải quyết nó rồi đâu lại vào đấy.
01
"- Vậy anh có nghĩ việc làm của mình sẽ khiến cho tất cả mọi người đều không vui không?
- Em đừng nói nữa. Anh không muốn nghe"…
Sau câu nói đó, Hưng sập cửa bỏ đi để Thương đứng một mình. Cái cảm giác lúc nào cần tranh cãi đều là cô độc thoại như thế này, Thương trải qua đã quá đủ.
***
Ban đầu khi quyết định cưới Hưng, Thương có nằm mơ cũng chưa từng nghĩ thứ tưởng chừng như ưu thế của anh lại gây bất lợi cho cuộc hôn nhân của cả hai. Ngày đó, Thương có nhiều người theo đuổi nhưng cô yêu Hưng bởi tính tình của anh ít nói, hiền lành và không bao giờ để bụng.
Thương là người hoạt bát, nói nhiều. Bởi vậy, cô nghĩ mảnh ghép mình còn thiếu là người ít nói.
"Gia đình người nói phải có người nghe chứ", cô thường trả lời như vậy khi đám bạn hỏi vì sao lại cưới Hưng.
Hưng hiền lành, quá mức hiền lành, đến nỗi suốt hành trình yêu đương, cưới xin anh để Thương quyết cả. Hưng thế nào cũng được, anh không quan tâm. Ban đầu, Thương mừng thầm, cho rằng mình cưới được người đàn ông như thế này thì "đáng" quá, có thể "cầm đầu chồng".
Nhưng dần dần, cô lại thấy cuộc sống của mình trôi qua quá mức ủ ê, bế tắc. Tất cả chỉ vì chồng Thương không thích đối thoại, không muốn tranh cãi và trốn tránh toàn bộ những cuộc tranh luận về nhiều vấn đề trong gia đình. Từ chuyện đối nội đối ngoại, vay nợ làm ăn đến vài vấn đề liên quan khác, anh không thích can thiệp và cũng chẳng muốn trao đổi. Kể cả khi hai vợ chồng xích mích, Thương chưa kịp hỏi anh để giải quyết thì Hưng đã sập cửa bỏ đi.
02
Lúc nào cũng thế, có vấn đề xảy đến giữa hai vợ chồng, Thương muốn tâm sự, giãi bày hay thậm chí muốn bùng nổ thì Hưng đều không nghe.
Thương cảm thấy lạ thật sự, vợ chồng với nhau có nhiều điều cần phải trao đổi, tại sao anh luôn trốn tránh. Khi hỏi đến, Hưng chỉ trả lời gọn lỏn: "Anh không thích đôi co".
Nhưng cuộc sống hôn nhân đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đôi khi người ta phải có chút tranh cãi để vấn đề nào cũng được giải quyết triệt để. Đằng này, Hưng không để Thương có quyền "được cãi vã" trong nhà.
Cảm giác của Thương lúc nào cũng như đang đấm vào một bịch bông. Cô tự đấm, tự hưởng thụ, đối phương chẳng màng đến.
Nhiều lần Thương muốn ngồi lại với chồng để cả hai cùng nói chuyện và bàn bạc song anh không muốn nghe. Hưng cho rằng vấn đề gì thì vấn đề, chỉ cần không nhắc đến, bỏ qua rồi sẽ thôi.
Anh không nghĩ rằng những bực bội, bức xúc của vợ dồn nén lâu dài sẽ dẫn đến rạn nứt. Thương hiểu điều đó, cô muốn đối thoại hay thậm chí cãi vã một trận tơi bời nhưng đáp lại là những lần bịt tai hay sập cửa bỏ đi của Hưng. Anh vẫn giữ nguyên quan điểm chuyện gì không nhắc tới thì thời gian sẽ khiến nó bị lãng quên đi.
Sinh nhật mẹ Thương, cả nhà bàn nhau ăn uống xong sẽ cùng đi xem phim. Vé mua đã đủ, khi biết chuyện, Hưng ngẩng đầu nói tỉnh bơ: "Cả nhà đi đi con không có ham".
Đến nghĩ một cái cớ nào đó như bận việc hay có lịch đột xuất anh cũng không màng. Sau buổi xem phim, Thương về nhà và muốn nói với chồng chuyện này. Thật sự Thương muốn bùng nổ nhưng vẫn bình tĩnh hỏi Hưng về cách hành xử. Đáp lại, anh sập cửa bỏ đi vì cho rằng chuyện nhỏ không đáng nhắc đến. Thương uất ức và lần đầu tiên cô nghĩ đến chuyện chấm dứt tất cả.
03
Kết hôn là một hành trình thật sự lâu dài. Hai con người từ xa lạ trở nên thân quen rồi về chung một nhà. Nhưng yêu và cưới là hai giai đoạn cực kỳ khác nhau. Bản thân nó cũng khác biệt về bản chất. Dù yêu nhau đắm say, cả hai chưa về chung một nhà thì cũng luôn gặp đối phương trong trạng thái tươm tất nhất, chưa chung đụng nhiều.
Tuy nhiên đã kết hôn rồi, cả hai sống cùng một nhà, nhiều vấn đề phải bàn, nhiều chuyện nảy sinh. Hai con người từ hai môi trường sống khác nhau, được dạy bảo khác nhau về sống chung ít nhiều sẽ có vấn đề và xích mích. Khi ấy họ có thể trao đổi thậm chí tranh cãi để giải quyết nó.
Sự tranh cãi thật sự rất có lợi. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra toàn bộ những khúc mắc, những uất ức để nói. Hai bên lắng nghe nhau, giải quyết nó rồi đâu lại vào đấy.
Nó đương nhiên là cách giải quyết gọn gàng hơn là dồn nén tất cả uất ức để "tự tiêu biến", khỏi phải đụng chạm đến. Thế nhưng nhiều người đàn ông lại không cho phụ nữ cái quyền "được cãi vã". Họ đâu có hiểu tất cả những uất ức dồn nén lại có thể khiến cuộc hôn nhân rơi vào ngõ cụt bất cứ lúc nào.
Vợ chồng là phải được trao đổi với nhau và đôi khi tranh luận như một thứ gia vị giúp mối quan hệ hai bên thêm phần mặn nồng hơn, hiểu nhau hơn. Dồn nén, tự chịu đựng các vấn đề, không có tranh luận, không trao đổi sẽ chỉ càng khiến cả hai dày lên những mâu thuẫn. Cuối cùng, cái kết nhận về có thể bạn sẽ khó chấp nhận nổi!