Chống gian lận xuất xứ hàng hóa - cuộc chiến dai dẳng
Tình trạng gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động kê khai hải quan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; hay lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận chuyển độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Điều này đã và đang diễn ra ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân
Trước thực trạng đó, lực lượng Hải quan đã xây dựng kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), định hướng xuyên suốt trong năm 2021 là tập trung triển khai chuyên đề xuất xứ có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng và nhân lực có hạn. Trong đó, cơ quan này tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Cần thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ”
Hành vi “giả mạo xuất xứ” được quy định trong Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có chế tài xử lý rất nặng, nhưng không xử lý được trong thực tế. Nguyên nhân do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khi tiến hành xử lý. Bởi vậy, nội dung này cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Chỉ riêng Cục Kiểm tra sau thông quan, từ đầu năm 2021 đã thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro đối với 150 doanh nghiệp. Trong vòng 3 tháng, đơn vị đã ban hành 39 quyết định kiểm tra, đã kết thúc kiểm tra đối với 29 doanh nghiệp; phát hiện 17 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, buộc doanh nghiệp nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm khác là 23,5 tỷ đồng.
Thời gian sau đó, do dịch Covid-19 phức tạp nên các hoạt động kiểm tra đều phải tạm dừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cơ quan hải quan lại tập trung vào công tác thu thập, phân tích thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra.
Thống nhất quy định, thống nhất xử lý
Một số vụ việc điển hình đã bị cơ quan hải quan phát hiện, xử lý như trường hợp của Công ty TNHH Trần Hoàng Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa; bộ lọc không khí dùng để lọc không khí và bộ lọc dầu; lõi lọc nước, bộ phận của máy lọc nước từ Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã khai xuất xứ Nhật Bản đối với mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa và khai xuất xứ Đức, Mexico, Ấn Độ, Hoa Kỳ cho các mặt hàng còn lại. Tương tự, Công ty CP Homely Thái Lan nhập khẩu mặt hàng máy ép chậm dùng ép rau quả từ Trung Quốc nhưng chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Ở chiều xuất khẩu, hình thức, thủ đoạn gian lận là doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu. Chiêu thức phổ biến thứ 2 là doanh nghiệp không có hoặc có dây chuyền máy móc, nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra và xử lý một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Hay vụ việc Công ty TNHH xe đạp Excel - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện hoàn chỉnh, không đảm bảo xuất xứ Việt Nam.
Công tác đấu tranh thời gian qua đã đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thách thức đối với lực lượng hải quan còn nhiều, nhất là trong việc phát hiện và xử lý khi doanh nghiệp ngày càng có nhiều phương thức, hành vi gian lận. Trong khi đó, quy định pháp luật còn chưa thống nhất, đặc biệt trong việc mô tả hành vi khiến cơ quan hải quan khó xử lý vì thiếu cơ sở pháp lý.
Một dẫn chứng dễ thấy là, các khái niệm về xuất xứ được ghi trên hàng hóa hiện nay rất đa dạng như: “Made in Viet Nam, Made by Viet Nam, Of Vietnam origin, Rroduct of Vietnam...”. Điều này có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cần thống nhất quy định.
Tới đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục Hải quan cũng sẽ đề nghị các cục hải quan địa phương triển khai dứt điểm các cuộc kiểm tra được phân công theo kế hoạch. Cùng với đó, các đơn vị địa phương cần báo cáo cụ thể, kịp thời về Tổng cục Hải quan để tổng hợp, phân tích, đánh giá chung về hiệu quả của chuyên đề, làm căn cứ cho việc xây dựng định hướng kiểm tra cho các giai đoạn mới.
Rà soát tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều
Thời gian qua, các đơn vị hải quan đã triển khai chuyên đề kiểm tra đối với hạt điều. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, bước đầu phát hiện 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu; 4 doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa, đã chuyển thông tin theo nguồn tin tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm; 1 doanh nghiệp đang trong quá trình trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố.
Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan địa phương rà soát tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều; giao một số cục hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Cùng với đó, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các cục hải quan địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
Các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách.