CHỐNG HẠN, NGĂN MẶN, ĐẾN HẸN... NHƯNG ĐỪNG CHỦ QUAN!

Vùng châu thổ Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa khô 2022-2023, Kiên Giang là một trong những địa phương chịu ảnh nặng của hiện tượng thời tiết cực đoan và gần như trở thành quy luật này. Nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay diễn biến khó lường, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra. Vậy, Kiên Giang sẽ làm gì trong công tác chống hạn, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân?

Bài 1: Kiểm soát hạn mặn, bảo vệ sản xuất

Kiên Giang đã có bài học và nhiều kinh nghiệm trong công tác chống hạn, ngăn mặn. Vì vậy, dù đã vào cao điểm mùa khô 2022-2023, nhưng tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt nhờ các giải pháp phòng, chống vẫn đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, những kịch bản và phương án dự phòng vẫn được tỉnh đưa ra và sẵn sàng kích hoạt nếu thời tiết tiếp tục diễn biến gay gắt hơn.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo đợt xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô 2022-2023 tương tự mùa khô 2020-2021, mặn bất thường có thể xảy ra do vận hành thủy điện. Tại Kiên Giang, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023 xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, sẽ có những đợt độ mặn tăng cao đột biến do triều cường nước biển dâng.

Mặc dù nhận định mặn xâm nhập không quá gay gắt so với những năm trước, nhưng tình hình nắng nóng được dự báo sẽ kết thúc muộn và kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang sẽ đối mặt với một số khó khăn khi bước vào cao điểm mùa khô.

Từ dự báo của cơ quan chuyên môn, ngay từ đầu mùa khô 2022-2023, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Kiên Giang đã tâp trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, mặn xâm nhập để chủ động ứng phó kịp thời.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, Giang Thành, TP. Rạch Giá và ven sông Cái Bé (huyện Châu Thành), vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2022-2023.

Bên cạnh việc vận hành đóng, mở các cống thuộc sự quản lý của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, các huyện nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng mặn xâm nhập như An Minh, An Biên, Kiên Lương, Châu Thành cũng đã chủ động gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn để bảo vệ diện tích lúa mùa và lúa đông xuân. Đến nay, đã có 36/119 đập đất đã được các địa phương triển khai thực hiện xong.

Đồng thời, Kiên Giang duy trì 2 đập cừ thép Larsen tại Kênh Rạch Giá - Hà Tiên thuộc địa bàn xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương và kênh Ông Hiển thuộc xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành để tăng cường bảo vệ sản xuất cho người dân trong khi chờ cống hoàn thành.

Công trình đập tạm bằng cừ thép Larsen tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt hiệu quả, bảo vệ diện tích sản xuất lúa đông xuân 2022-2023.

Công trình đập tạm bằng cừ thép Larsen tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt hiệu quả, bảo vệ diện tích sản xuất lúa đông xuân 2022-2023.

Hàng tháng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kiểm soát hiệu quả nguồn nước trong mùa khô trên địa bàn tỉnh. Tại các huyện Giồng Riềng, Gò Quao không còn phải đắp đập tạm ngăn mặn như những năm trước. Độ mặn được khống chế, đảm bảo an toàn cho hàng chục ngàn héc ta lúa đông xuân không bị ảnh hưởng mặn.

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho biết, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng giúp kiểm soát mặn hiệu quả, đảm bảo phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân như hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Sông Kiên, cống Kênh Nhánh; triển khai thi công cống T3 Hòa Điền thuộc huyện Kiên Lương, cống Vàm Bà Lịch, các cống trên tuyến đê biển An Biên, An Minh…

“Ngoài các công trình, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình hạn mặn, bố lịch thời vụ sản xuất hợp lý; thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, hạn mặn, thông báo đến người dân để chủ động bảo vệ sản xuất. Đến nay, mặc dù đã bước vào điểm mùa khô hạn và xâm nhập mặn nhưng Kiên Giang chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất”, đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung nói.

HẠN CHẾ LÚA VỤ 3

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, từ ngày 11-3 đến 20-3, mặn có xu hướng tăng nhanh. Độ mặn 4‰ trên sông Cái Bé xâm nhập sâu khoảng 18km đến giữa xã Minh Hòa, huyện Châu Thành; độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 25km đến cuối xã Minh Hòa, huyện Châu Thành.

Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 47km đến xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao; độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 53km, cách cầu Cái Tư khoảng 2km về phía hạ lưu (xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao).

Cán bộ nông nghiệp huyện An Biên kiểm tra độ mặn tại kênh nội đồng xã Đông Yên.

Cán bộ nông nghiệp huyện An Biên kiểm tra độ mặn tại kênh nội đồng xã Đông Yên.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch khoảng 55.331ha lúa đông xuân 2022-2023, đạt 19,69% diện tích gieo trồng. Đa số các diện tích lúa còn lại ở giai đoạn đòng, trổ chín. Nông dân vẫn còn 1-2 đợt bơm lấy nước vào đồng ruộng. Do đó, nếu hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến những trà lúa sạ trễ.

Bước vào cao điểm mùa khô, các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là trong việc ứng phó với các tình huống xâm nhập mặn có thể đe dọa sản xuất của người dân, tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích sản xuất lúa nhất của tỉnh Kiên Giang với gần 80.000ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Lê Văn Giàu cho biết, trước nhận định tình hình hạn, mặn sẽ còn gay gắt kéo dài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường thông tin tình hình hạn, mặn. Bên cạnh đó, cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước, lịch đóng, mở các cống để nông dân chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất.

“Hiện nay, một số cống ngăn mặn vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ mặn, do đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã rà soát và thông báo với Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang để kịp thời khắc phục, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Phòng khuyến cáo người dân cần trang bị thiết bị đo độ mặn, kiểm tra nguồn nước trước khi bơm vào đồng ruộng”, đồng chí Lê Văn Giàu nói.

UBND huyện U Minh Thượng khuyến cáo người dân không gieo sạ lúa vụ 3 tại các vùng không đảm bảo nguồn nước sản xuất mà chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi khác. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên diện tích sản xuất lúa vụ 3 tại địa bàn huyện giảm đáng kể. Đối với các diện tích lúa vụ 3 người dân vẫn duy trì sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên cử cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn nông dân cách bảo vệ, chăm sóc ruộng lúa.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Trang Minh Tú thông tin, để chủ động bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp ở các xã ven biển, ven sông Cái Lớn và một số khu vực trên địa bàn thị trấn Thứ Ba, xã Đông Thái có thể bị xâm nhập mặn do hệ thống cống chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát, tiến hành gia cố, đắp mới 30 đập tạm tại các khu vực có nguy cơ nhiễm mặn.

Ngành nông nghiệp huyện An Biên khuyến cáo người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo an toàn sản xuất, giảm áp lực thiếu nước vào cuối vụ khi hạn, mặn kéo dài.

Tính đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Biên cơ bản đảm bảo ổn định. Ông Nguyễn Văn Hiện, ngụ ấp Xẻo Đước 2, xã Đông Yên, huyện An Biên chia sẻ: “Vụ lúa đông xuân 2022-2023, tôi thực hiện tốt các hướng dẫn của ngành nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ, chủ động tự gia cố bờ bao, kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới vào đồng ruộng. Nhờ vậy, cánh đồng lúa của tôi phát triển rất tốt, chưa gặp vấn đề về thiếu nước”.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

►Bài cuối: Sẵn sàng các phương án cấp nước

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/chong-han-ngan-man-den-hen-nhung-dung-chu-quan!-13070.html