Chống hàng giả, bảo vệ danh tiếng hàng Việt Nam nhìn từ Saigon Square

Trung tâm thương mại Saigon Square đã bị Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) điểm mặt trong Danh sách các ngôi chợ tai tiếng năm 2022 (NML 2022) công bố hôm 31-1. Những gì diễn ra trong thời gian qua tại Saigon Square là sự hợp tác nhiều gian nan giữa Việt Nam và Mỹ trong công cuộc chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.Tình trạng xâm phạm thương quyền và sở hữu trí tuệ được USTR đặc biệt quan tâm trong năm 2020 khi trang thương mại điện tử Shopee và hai trang phim trực tuyến phimmoi và phimmoizz bị nêu tên. Cũng như các trang thương mại điện tử đồng lứa từ Trung Quốc như AliExpress, Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo, Taobao và WeChat, trang Shopee bị nêu tên và yêu cầu nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị chống hàng giả. Nhưng các trang phim vi phạm bản quyền bị nhà chức trách Việt Nam đánh sập không thương tiếc, dù rằng các trang mới liên tục được lập ra chỉ vài tiếng sau khi trang cũ bị xóa sổ.

Các gian hàng thời trang, giày dép, túi xách được bày bán tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Tiểu thương cho biết số lượng gian hàng và khách mua sắm tại đây không còn đông như trước. Ảnh: Ricky Hồ

Các gian hàng thời trang, giày dép, túi xách được bày bán tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Tiểu thương cho biết số lượng gian hàng và khách mua sắm tại đây không còn đông như trước. Ảnh: Ricky Hồ

Nhưng các biện pháp đánh chặn từ xa kiểu Mỹ đến nay cũng là cách duy nhất để bảo vệ hàng Việt trước nạn hàng giả, mạo danh xuất xứ và các đòn thuế phòng vệ tại thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Chợ Việt trở nên “tai tiếng”

Đầu tháng 11 năm ngoái, tiểu thương trung tâm thương mại Saigon Square đã nhất loạt thu dọn hàng hóa, đóng cửa hàng và nhanh chóng rời khỏi nơi đây khi lực lượng chức năng ập đến. Khách đến mua sắm sau đó vắng dần, ngôi chợ ngay trung tâm thành phố đìu hiu.

Ba tháng sau, Saigon Square có vẻ tươi tắn trở lại. Khách Hàn Quốc chọn mua các giày dép thể thao “nhái” các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, New Balance… với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Khách châu Âu chọn trang phục thể thao và đồ mùa đông. Nhưng cảnh mua bán nhộn nhịp này chỉ có vào những ngày cuối tuần – theo lời kể của tiểu thương ở đây. Rất nhiều cửa tiệm đã đóng cửa, trả mặt bằng. “Một phần bị quản lý thị trường kiểm tra ngặt, phần lớn là do vắng khách, mua bán ế ẩm. Khách muốn tiết kiệm, chọn sản phẩm rẻ thì ra chợ lề đường. Còn khách sành điệu, chơi hàng hiệu thật sự thì không đến đây”, một chủ cửa hàng cho biết.

Đây là lần đầu tiên Saigon Square được USTR “điểm mặt” trong NML 2022, bên cạnh chợ Tân Thanh ở Lạng Sơn và trang thương mại điện tử Shopee. Ngôi chợ ngay trung tâm thành phố được NML 2022 mô tả là “nơi buôn bán số lượng lớn và nhiều loại sản phẩm hàng xa xỉ giả như túi xách, bóp ví, đồ trang sức và đồng hồ”. USTR ghi nhận nỗ lực thực thi pháp luật thường xuyên và lặp đi lặp lại của Việt Nam trong việc chống hàng giả và hàng nhái, nhưng cơ quan này cho rằng “mức phạt vi phạt thấp và ít có tác dụng răn đe”.

USTR chính thức công bố danh sách đen NML vào năm 2011. Cơ quan này đặc biệt nhấn mạnh rằng nạn hàng giả hàng nhái và các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây tổn thất nghiêm trọng đến quyền lợi của người giữ thương quyền và doanh nghiệp tại Mỹ, làm thiệt hại khoảng 30 tỉ đô la mỗi năm.

Năm 2017, USTR lần đầu tiên đưa các ngôi chợ truyền thống của Việt Nam vào danh sách tai tiếng, với sự góp mặt của chợ Ninh Hiệp ở Hà Nội và chợ Tân Bình ở TPHCM. Trong bốn năm liên tiếp từ 2018-2021, chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân luôn bị “réo tên” trong các báo cáo của phía Mỹ.

Dù hai ngôi chợ này bị bố ráp và kiểm tra thường xuyên, số lượng hàng giả bị tịch thu và xử lý khá thấp. Chẳng hạn như báo cáo NML 2020 nói nhà chức trách Việt Nam thu giữ 1.276 mặt hàng giả mạo có giá trị khoảng 5.000 đô la tại chợ Bến Thành trong năm 2020. Trong các báo cáo, USTR luôn thúc giục Việt Nam tiếp tục củng cố và duy trì các hành động trấn áp việc mua bán hàng giả hàng nhái.

Cuộc chiến không đơn giản

Thị trường hàng giả, hàng nhái trên thế giới hiện có giá trị lên đến 3.000 tỉ đô la, trong đó Mỹ, Pháp và Ý là ba thị trường lớn nhất. Hàng năm, chi phí và mức độ tổn thất do nạn hàng giả gây ra với người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan thực thi pháp luật lên đến 600 tỉ đô la.

Được xem là công xưởng của thế giới, nhưng Trung Quốc cũng là cái nôi của hàng giả. Báo cáo NML 2022 nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và mua bán hàng giả. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai chỉ rõ ứng dụng nhắn tin và thương mại lớn nhất của Trung Quốc là WeChat là “một trong những nền tảng lớn nhất cho hàng giả”.

Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc, cùng với hàng trung chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông, chiếm 75% giá trị hàng giả, hàng lậu bị Cơ quan Hải quan và biên giới Mỹ thu giữ trong năm 2021. Trong các dịp trao đổi với Kinh tế Sài Gòn tại TPHCM trước đây, ông Peter Fowler – nguyên cố vấn cấp cao thuộc Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Mỹ (USPTO) – nói rằng tỷ lệ hàng giả từ Trung Quốc thường chiếm 80% có khi lên đến 87% số vụ hàng gian hàng giả bị phát hiện tại Mỹ trong những năm trước. Trong khi đó, Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 1%.

“Có thể qua con đường hàng lậu hay bắt tay đối tác địa phương ở Việt Nam, hàng giả từ Trung Quốc sẽ được đóng gói, xuất xưởng và đưa sang Mỹ. Chúng tôi đã phát hiện trà, cà phê và nước mắm của Việt Nam do Trung Quốc làm giả trên thị trường nội địa Mỹ. Ngoài ra, còn có hồ tiêu của Campuchia và gạo hương lài của Thái Lan cũng bị Trung Quốc làm giả. Họ nhắm vào các mặt hàng nông sản nổi tiếng của các nước”, ông Fowler nói.

Các kiện hàng từ cảng biển của Trung Quốc và Hồng Kông sẽ bị cơ quan hải quan và biên phòng kiểm tra ngặt nghèo. Vì thế, các tập đoàn tội phạm thường copy nhãn mác và đưa đi vòng vòng qua các cảng biển trên thế giới. “Có thể họ đưa đến Singapore, Thái Lan hay Trung Đông. Có trường hợp chúng tôi phát hiện hàng cập cảng Brazil, rồi đi đường bộ đến một cảng biển khác rồi xuất sang Mỹ, tất cả đều nhằm xóa dấu vết, xuất xứ hàng hóa”, ông Fowler cho biết.

Hàng hóa của các thương hiệu lớn, các mặt hàng được người tiêu dùng biết đến càng nhiều càng có nguy cơ bị làm giả. Các tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia luôn tìm cách để đưa hàng qua hơn 300 cảng biển vào thị trường nội địa Mỹ. Khi phát hiện là hàng giả, hàng nhái hay USPTO, FBI, FDA và các cơ quan chức năng khác tuyên bố là hàng giả thì lô hàng đó lập tức bị tiêu hủy.

“Chúng tôi sẽ thông báo đến chủ thể hợp pháp của sản phẩm bị giả tên. Họ sử dụng các thông tin được cung cấp để tự điều tra, truy tìm xuất xứ, kiểm chứng sản phẩm. Họ phải biết tự bảo vệ mình”, ông Fowler nhấn mạnh.

Tại một hội thảo chống hàng giả do hai chính phủ Việt – Mỹ tổ chức tháng 4-2019 tại TPHCM, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng đã mở sáu văn phòng liên lạc trên thế giới nhằm phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống hàng giả, gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bucharest (Romania), Sao Paolo (Brazil) và Abuja (Nigeria). Mỹ cũng lập ra 24 cơ quan liên bang và văn phòng thực thi pháp luật quốc tế để chống hàng giả.

Nhưng hàng lậu nhập đường biển dường như đã lỗi thời trong thời đại công nghệ thông tin. Các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba, Taobao, Amazon và eBay trở thành sân chơi mới của các tập đoàn tội phạm. “Với phương thức thanh toán và giao nhận tiện lợi, có khi chỉ qua đêm, các nền tảng hiện đang được sử dụng triệt để. Việc chống hàng giả vì thế càng khó khăn hơn,” ông Fowler nhận xét.

Uy tín hàng Việt Nam

Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc bùng nổ đầu năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 10% rồi lên 25% với các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp mật ong của Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng và đã bị Mỹ áp dụng các biện pháp chống phá giá từ năm 2001. Trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã đi đường vòng bằng cách đưa các thùng mật ong không nhãn mác sang Thái Lan và Việt Nam. Từ đây, chúng được chiết xuất sang các chai, lọ nhỏ hơn và dán nhãn sản xuất tại hai nước này. Sau đó, mật ong “made in Vietnam” hay “made in Thailand” sẽ được bán sang Mỹ với thuế suất thấp hơn.

Thị trường Mỹ “ăn” đến 95% lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam. Từ cuối năm 2021, Mỹ đã áp thuế chống phá giá cao bất ngờ 412,49%, khiến các hộ và trang trại nuôi ong Việt Nam khốn đốn. Ngay cả khi Việt Nam khiếu nại thành công và mức thuế này giảm xuống còn quanh 60%, mật ong Việt không thể cạnh tranh với mật ong Ấn Độ chỉ bị áp thuế 5,85% tại Mỹ.

Câu chuyện tương tự xảy ra với chuyện ván ép Trung Quốc mượn đường sang Việt Nam, rồi được bung ra, đóng kiện và dán nhãn công ty Việt Nam xuất sang Mỹ. Các tấm pin mặt trời Trung Quốc cũng dạo chơi sang Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Và không chỉ có Trung Quốc hăm hở với các cuộc dạo chơi sang Việt Nam.

Chưa có các số liệu mới nhất về lượng hàng giả đội lốt hàng Việt tại thị trường Mỹ. Nhưng các số liệu của USPTO và USTR cho thấy rằng lượng hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ đang có xu hướng giảm dần trong ba năm qua, từ 87% trong năm 2019 xuống còn 75% trong năm 2022. Có thể ghi nhận nỗ lực phối hợp Mỹ – Trung trong công cuộc chống hàng giả và hàng mượn xuất xứ, như lời ông Fowler. Nhưng cũng có thể thấy rủi ro bị làm giả hay mạo danh hàng Việt có thể gia tăng.

Cà phê Trung Nguyên, trà Thái Nguyên và các nhãn hàng nước mắm truyền thống bị Trung Quốc làm giả và bán trên thị trường Mỹ. Thái Lan cũng “cầm nhầm” Chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc” trong nhiều năm qua.

Tỷ lệ hàng giả có xuất xứ từ Việt Nam dưới 1% trên thị trường Mỹ là “tự hào và danh tiếng” cho hàng hóa Việt Nam, ông Fowler nhận định. Ông nói đó cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất gia tăng sản xuất hàng có chất lượng và xuất sang Mỹ. “Nếu các bạn tăng cường sản xuất hàng chất lượng cao và kiểm soát chặt hàng giả, hàng nhái trên thị trường Việt Nam, uy tín và danh tiếng đó càng nâng cao”, ông Fowler nói.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chong-hang-gia-bao-ve-danh-tieng-hang-viet-nam-nhin-tu-saigon-square/