Chống hàng lậu, hàng giả: Không để tình trạng bao che hoành hành

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là lúc các đối tượng buôn lậu tìm đủ mọi mánh khóe vận chuyển hàng lậu, hàng giả về Hà Nội tiêu thụ. Để ngăn chặn tình trạng này các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đẩy mạnh điều tra, xử lý các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn...

Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các lượng lượng chức năng thu giữ hàng giả tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Thu Hương

Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các lượng lượng chức năng thu giữ hàng giả tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Thu Hương

Liên tục phát hiện các vụ buôn lậu

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) TP Hà Nội, trong tháng 10/2019, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý tới 3.315 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách gần 272 tỷ đồng. Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước và sau Tết Canh Tý 2020 lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng quần áo, vải, phụ liệu may mặc, túi xách, giày dép, đồ da, đồng hồ, kính mắt... và kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Mới đây, ngày 24/10, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra căn hộ 1836 nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), phát hiện 164 chiếc điện thoại Samsung, iPhone... không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, tại khu vực Quốc lộ 2 giao với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, lực lượng QLTT Hà Nội khi kiểm tra xe ô tô BKS 17C - 098.12 phát hiện 15 tấn thực phẩm, mỹ phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không kiểm định chất lượng sản phẩm. Chủ hàng khai nhận toàn bộ số hàng được mua từ Trung Quốc với giá khoảng 600 triệu đồng vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Mặc dù đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết: Để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó xé lẻ đưa vào TP theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, lợi dụng quy định thông thoáng về thành lập công ty TNHH, các đối tượng thành lập nhiều công ty khác nhau để lấy pháp nhân nhập khẩu hàng lậu, gian lận thương mại, khi bị phát hiện thì bỏ trốn.

Tăng cường đấu tranh ngăn chặn

Để tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2019, Cục QLTT Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đội QLTT kiên quyết xử lý hành vi buôn và tiêu thụ hàng lậu; Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu thông hàng giả, hàng hóa không đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Canh Tý 2020.

Trước đó, ngày 23/10, BCĐ 389 TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch kiểm tra liên ngành các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020. Trong đó tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài…

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San: Từ nay đến Tết Canh Tý, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN. “Nhằm tránh tình trạng bao che hoạt động buôn lậu, Cục QLTT Hà Nội sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài; không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm” - ông San nhấn mạnh.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chong-hang-lau-hang-gia-khong-de-tinh-trang-bao-che-hoanh-hanh-356822.html