Chồng hết thương rồi, liếc vợ một cái cũng không

Người cũ của anh ly hôn. Anh giúp cô ta chuyển nhà, xin việc, tìm trường cho con cô ấy… Dần dà, anh lơ đễnh với chị. Tối, anh ngồi lì ngoài ban-công. Mỗi lần điện thoại reo, anh luýnh quýnh bước ra ngoài.

Tôi ngạc nhiên: "Cắt tóc cũng phải hỏi ý chồng sao chị?". Chị kể, bữa trước có chị tới cắt tóc, lúc chồng tới rước, thấy mái tóc ngắn ngủn của vợ, ổng nổi điên, chửi quá trời, chửi luôn cả chị.

Mấy người khách và các cô thợ bàn tán: "Chồng gì mà khó dữ, vợ cắt tóc cũng la", "gia trưởng kiểu đó, sống sao nổi hả trời"… Chị chủ tiệm chợt ưu tư: "Chắc ông đó thương vợ dữ, có thương mới để ý đến tóc tai của vợ. Hết thương rồi, liếc một cái cũng không thèm". Câu nói của chị khiến tôi bần thần.

Quản vợ từ chuyện tóc tai, có thật là thương không, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Có thể, đó là một ông chồng gia trưởng, khó xài. Cũng có thể đó là ông chồng thương vợ, và mái tóc của vợ gắn liền với kỷ niệm nào đó giữa hai người, hoặc đơn giản là khuôn mặt vợ ông ta hợp với kiểu tóc cũ. Biết đâu.

Tôi có chị bạn, chị từng có những ngày hạnh phúc bên chồng. Sáng ra, anh nghiêng đầu ngắm chị trong chiếc áo mới, khen "màu áo rất ngọt, hợp với làn da của em". Chị cắt tóc mới, anh khen "cha, trông em trẻ ra 10 tuổi lận nghen". Hoặc đôi khi chỉ là tóc cũ, quần áo cũ, anh cũng khen "trông em tươi rói"… Chị biết rõ tính chồng mồm mép, nhưng những lời khen có cánh của chồng khiến chị ấm áp. Trông chị lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có lần xe tôi chết máy ở đoạn đường ngập nước, vừa may gặp chị. Chị nói nhà thằng em ở gần đó, để chị gọi nó ra dắt xe giùm tôi, còn tôi lên xe để chị chở. Đi một đoạn, tới lượt xe chị cũng chết máy. Hai chị em hì hục đẩy. Chồng chị gọi tới, chị líu lo "em sắp về tới nhà rồi, không sao, chỉ ướt như chuột lột thôi". Tôi nhìn chị, ngưỡng mộ quá chừng. Khi người ta hạnh phúc, thế giới đều một màu hồng.

Mọi chuyện đổi thay từ ngày người cũ của anh ly hôn chồng. Anh giúp cô ta chuyển nhà, xin việc, tìm trường cho con cô ấy… Ban đầu, anh hỏi ý chị nên làm sao, chỗ đó, trường đó được không. Có khi anh còn chở chị đi cùng để chứng tỏ anh và cô ta trong sạch. Dần dà, anh lơ đễnh với chị. Tối, anh ngồi lì ngoài ban-công, hồn thả tận đâu đâu. Mỗi lần điện thoại reo, anh liếc chị, luýnh quýnh bước nhanh ra ngoài. Chị thắt thỏm lo.

Người ta nói, đàn bà gắt gỏng, làm dữ với chồng chỉ tổ đẩy chồng mau đến với "con kia", nên chị ngó lơ, cố dịu dàng với anh. Chị cắt tóc mới, lượn tới lượn lui trước mặt chồng nhưng không thấy anh nói gì. Đến lúc chị hỏi "coi được không anh?", anh mới liếc qua, hờ hững gật đầu. Bữa cơm có món măng chua nấu lươn, món ruột của anh, anh trệu trạo nhai như nhai rơm…

Hình minh họa

Hình minh họa

"Chị giống như vô hình trong mắt ảnh. Không còn thương nên không còn để mắt đến, càng không còn lòng dạ để nói với nhau, khen để lấy lòng. Nguội ngắc hết. Chị mất anh ấy rồi em" - lời chị như có muối, mặn chát tủi buồn khiến tôi mủi lòng theo.

Tôi chẳng mong chồng quản mình chặt chẽ từ chuyện tóc tai như người phụ nữ kia, nhưng chồng hờ hững tới mức vợ đổi kiểu tóc mới, diện quần áo mới chồng cũng chẳng màng thì thật đáng buồn. Lúc khỏe mạnh, trẻ xinh, thong dong còn không nhìn vào mắt nhau, quan tâm niền vui nỗi buồn của nhau, thì khi ốm đau hay xui rủi tai nạn hoặc tuổi già da nhăn má hóp… liệu người ta có thương xót lấy mình? Bước vào hôn nhân là cùng nhau song hành, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Mất cảm giác với nhau, liệu có còn thương?

Theo Đức Phương (phunuonline.com.vn)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tam-su/chong-het-thuong-roi-liec-vo-mot-cai-cung-khong-20190815134254819.htm