Chống khai tháC IUU, bảo đảm quyền của ngư dân tại Kiên Giang

Với bờ biển dài trên 200 km, ngư trường khai thác rộng lớn khoảng 63.000 km2 tiếp giáp với vùng biển các nước Căm-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a cùng trữ lượng thủy sản lớn, Kiên Giang luôn là một trong những địa phương đóng góp cao nhất về sản lượng và giá trị khai thác thủy sản của cả nước.

 Quang cảnh Cuộc họp Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Báo Kiên Giang

Quang cảnh Cuộc họp Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Báo Kiên Giang

Thời gian qua, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Kiên Giang đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc tổ chức quán triệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đến các sở, ban, ngành; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến ngư dân; phát hiện, xử lí nghiêm các vi phạm về hành chính, đặc biệt là hình sự; chủ động công tác phối hợp với các lực lượng, địa phương, đồng thời, luôn quan tâm bảo đảm các quyền của ngư dân.

Từng bước đưa quy định IUU đến ngư dân

Hiện với hơn 9.500 tàu cá, trong đó có khoảng 3.700 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi. Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đạt tổng sản lượng khai thác khoảng 437.199 tấn, giá trị ước tính khoảng trên 13 nghìn tỉ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 sản lượng khai thác ước đạt 171.118 tấn, giá trị ước tính khoảng trên 5.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: nguồn lợi thủy sản của vùng biển ngày càng suy giảm mạnh do cường độ khai thác cao so với sự phục hồi tự nhiên; chi phí sản xuất tăng; lao động trực tiếp trên biển khan hiếm. Quá trình khai thác thủy sản còn xảy ra tình trạng người lao động trên biển bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, kể cả tính mạng, sức khỏe: cưỡng bức lao động, sử dụng lao động vị thành niên làm việc trên các tàu cá; cố ý gây thương tích, giết người; giữ người trái pháp luật; chủ tàu cố ý lẩn tránh, trốn tránh trách nhiệm bảo hộ thuyền trưởng, thuyền viên khi bị nước ngoài bắt giữ...

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện công tác chống khai thác IUU, đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU trong tổ chức thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật đến tổ chức, cá nhân và cộng đồng ngư dân về các qui định chống khai thác IUU với nhiều hình thức như tổ chức thăm hỏi, tọa đàm, phóng sự, viết bài đăng báo, cấp phát tờ rơi, tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp. Trong năm 2023, đã in, cấp phát 10.000 Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Hội đồng châu Âu (EC) gửi các đơn vị, địa phương; tổ chức 408 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 29.834 ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng và cấp phát 22.766 tờ rơi, tờ bướm về chống khai thác IUU; cấp phát 5.445 lá cờ Tổ quốc, 258 ảnh Bác Hồ; thực hiện tốt chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” và đăng tin, bài liên quan trên báo, đài tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác IUU.

 Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tuyên truyền, phát thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống khai thác IUU đến ngư dân. Ảnh: Báo Kiên Giang

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tuyên truyền, phát thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống khai thác IUU đến ngư dân. Ảnh: Báo Kiên Giang

Bên cạnh đó, cuối năm 2023, đã thực hiện đăng kí và cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia 100% tàu cá; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,4%, trong đó, tàu cá từ 15 mét trở lên đang hoạt động đạt 100%. Giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại các bến cá của địa phương; thực hiện đúng qui định công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng trên địa bàn quản lí; điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện.

Tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương trong tuần tra, kiểm soát và xử lí tàu cá vi phạm khai thác IUU. Năm 2023 đã xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, tổng số hơn 4 tỉ đồng, tịch thu 5 tàu cá vi phạm; đề nghị các lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

 Lãnh đạo Cảnh sát 4 phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân Kiên Hải. Ảnh Cảnh sát biển 4 cung cấp

Lãnh đạo Cảnh sát 4 phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân Kiên Hải. Ảnh Cảnh sát biển 4 cung cấp

Đồng hành cùng ngư dân

Thời gian qua, Công an tỉnh Kiên Giang đã điều tra, chuyển truy tố, xét xử sơ thẩm 4 bị cáo có hành vi đưa người ra vùng biển nước ngoài đánh cá về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, tuyên phạt tổng cộng 23 năm tù; tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về quy định của Nhà nước trong quản lý hoạt động khai thác hải sản, xây dựng kế hoạch Củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với chủ tàu đánh cá, gia đình có người đi biển.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU của lực lượng công an, Công an tỉnh Kiên Giang đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài với Công an các tỉnh, thành phố Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

Lực lượng Công an là cầu nối thông tin giữa ngư dân và gia đình có người đi biển, vừa là cơ quan bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của ngư dân trên cơ sở khai thác thủy sản, an toàn và hiệu quả. Để thực thi, Công an tỉnh đã thường xuyên vận động, tuyên truyền chủ tàu kí bản cam kết không vi phạm quy định về sử dụng người lao động, về khai thác thủy sản...

Khi phát hiện vụ việc đột xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, lực lượng công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để bảo đảm quyền lợi chính đáng của ngư dân, điển hình là ngày 11-8-2023, Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khởi tố vụ án về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các đối tượng liên quan vụ việc 4 ngư dân bị đánh dã man trên tàu khai thác cá được đăng tải trên mạng xã hội vào ngày 7-8-2023. Thường xuyên tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với các đường dây lừa đảo lao động “việc nhẹ, lương cao” làm việc trên các tàu cá đánh bắt xa bờ, nhắm đến những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết...

Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ 2 đối tượng có hành vi “giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 khi khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng, phát hiện 2 đối tượng đang giữ trên 20 ngư dân. Công an tỉnh phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang đã tiến hành công tác bảo trợ công dân đánh cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Đặc biệt với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, Công an tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện các mặt công tác bảo đảm quyền của người lao động trên biển. Với mục tiêu nắm chắc địa bàn, chủ động khắc phục những khó khăn, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đảm bảo quyền lợi của ngư dân ngay khi các ngư dân khai thác thủy sản trên biển.

Đại tá, ThS. Đào Hải Đăng

Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/chong-khai-thac-iuu-bao-dam-quyen-cua-ngu-dan-tai-kien-giang-21482