Chồng không cho quản lý tiền, vợ ngang ngược bế con về nhà ngoại, đòi ly hôn

Vợ tôi nói rằng cô ấy phải là người quản lý tài chính gia đình, không muốn để chồng giữ nhiều tiền rồi sinh hư, dễ bị rủ rê cờ bạc, gái gú, tôi không đồng ý.

Gia đình tôi có hai con nhỏ và nuôi thêm người giúp việc. Hàng ngày, vợ tôi đưa con đến lớp mầm non rồi đi làm, công việc hành chính văn phòng đơn giản với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, sáng đi muộn, chiều về sớm.

Tôi làm kinh doanh dịch vụ thương mại và đầu tư, thu nhập tốt. Mọi chuyện trong gia đình đều vận hành tương đối ổn định. Tuy nhiên, có một vấn đề gây tranh cãi và bức xúc gần đây, khiến gia đình tôi rơi vào khủng hoảng, ấy chính là vấn đề chồng giữ tiền hay vợ giữ tiền.

Hồi mới yêu, vợ tôi thường nói, “sau này cưới nhau, anh phải đưa hết tiền cho em giữ đấy nhé. Em nghe các chị em nói, nếu vợ không giữ tiền, cứ để cho chồng nhiều tiền rồi sinh hư, dễ bị rủ rê bia bọt, cờ bạc, gái gú…”. Tôi lúc đó suy nghĩ đơn giản, đã là vợ chồng đầu gối tay ấp thì ai giữ tiền cũng được, nên nhất thời đồng ý, vui vẻ bảo rằng "không đưa tiền cho em thì đưa cho ai?!".

Vợ tôi muốn giữ tiền, nhưng bản thân không biết tiết kiệm (Ảnh minh họa)

Vợ tôi muốn giữ tiền, nhưng bản thân không biết tiết kiệm (Ảnh minh họa)

Trong thời gian đầu kết hôn, tất cả số tiền tôi kiếm được đều đưa cho vợ, tiền mặt thì để vào két chung, làm thẻ phụ ngân hàng cho vợ cùng sử dụng, tài chính công khai minh bạch, chúng tôi còn cùng nhau ghi chép các khoản thu chi, từ đó có thể thống kê tổng kết hàng tháng, điều chỉnh nếu có vấn đề. Việc công khai thu nhập khiến cô ấy vui vẻ ra mặt.

Tuy nhiên, sau một thời gian ghi chép chi tiêu rõ ràng từng con số, tôi phát hiện ra vợ mình tiêu tiền rất phóng khoáng, tùy tiện. Ngoài các khoản cố định trong gia đình, sinh hoạt phí, tiền học của con, trả lương giúp việc, đối nội đối ngoại, cô ấy tiêu rất nhiều vào việc mua sắm, ăn vặt và làm đẹp. Tôi nhìn vào danh sách chi tiêu vợ ghi chép mà hốt hoảng.

Dù là nhân viên văn phòng, không giao lưu sâu rộng gì bên ngoài, nhưng cô ấy thường xuyên đi gội đầu dịch vụ, làm móng chân tay, mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, rồi các dụng cụ làm bếp, hoa lá cành hầm bà lằng chất đầy trong nhà. Thậm chí nhiều thứ cô ấy mua xong để rất lâu mà không đụng đến. Tôi hỏi thì cô ấy bảo đồ mua bị rộng hoặc chật, rồi mua đồ giảm giá trái mùa nên không khui vội...

Cô ấy không làm ra tiền nhưng lại mua sắm vô độ (Ảnh minh họa)

Cô ấy không làm ra tiền nhưng lại mua sắm vô độ (Ảnh minh họa)

Mới đầu, tôi không để ý, nghĩ là phụ nữ chi tiêu mua sắm mấy thứ đó cũng là bình thường, nhưng lâu dần, việc kiếm tiền cực khổ mà chi tiêu thiếu tính toán như vậy, tôi thấy vô lý nên bảo vợ tiết chế. Quá trình này kéo dài khá lâu nhưng vợ tôi vẫn chứng nào tật nấy, thu càng nhiều thì chi càng lớn.

Chuyện nhỏ tích tụ lâu cũng thành chuyện lớn, vợ chồng tôi bắt đầu bất hòa, cãi nhau, mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Cô ấy than phiền rằng tôi hứa mà không giữ lời, thay lòng đổi dạ, keo kiệt chi li với vợ con, đàn ông giữ tiền thì chỉ sinh hư, ra ngoài nhiều cám dỗ, rồi một ngày cô ấy mất cả chì lẫn chài, chồng làm ra tiền mà vợ không hưởng, rồi ngộ nhỡ có "tiểu tam" xen vào lại mất trắng…

Còn tôi, thời buổi kinh doanh cạnh tranh cao, áp lực lớn, kiếm đồng tiền cũng không dễ dàng, dù thu nhập tốt nhưng phải tái đầu tư, góp vốn làm ăn, giao lưu qua lại với đối tác. Nếu cứ để cô ấy quản tiền rồi chi tiêu vô độ như vậy, sẽ chẳng bao giờ tiết kiệm được, làm ra càng nhiều thì nhu cầu của vợ càng tăng, không bao giờ chạm được mốc tự do tài chính như kế hoạch ban đầu của tôi.

Quản lý tài chính tốt là nền tảng của gia đình ổn định (Ảnh minh họa)

Quản lý tài chính tốt là nền tảng của gia đình ổn định (Ảnh minh họa)

Hết cách, tôi quyết định thay đổi, yêu cầu vợ liệt kê hết các khoản chi trong tháng, tôi đưa cho cô ấy đúng chừng đó, số còn lại tôi cất riêng để tái đầu tư làm ăn, thay đổi quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, không để tiền mặt vào két như trước đây nữa, bảo vợ chú ý chi tiêu có kế hoạch, tiết kiệm.

Vợ tôi thấy vậy rất khó chịu, cáu giận cũng có, hờn dỗi tủi thân cũng có, bảo tôi sao phải khó khăn như thế. Nhưng tôi quyết định làm vậy và dứt khoát không nhượng bộ nữa. Thế rồi cô ấy gào lên, giận dữ khóc lóc, đùng đùng bế con về nhà ngoại ở ngay khi tôi đi công tác. Dọa tôi nếu không để cô ấy quản lý tài chính, giữ tiền như trước, thì sẽ ở nhà ngoại chờ ngày ly hôn.

Tôi thật sự bất lực trước sự ngang ngược này của vợ, hai bên không ai chịu nhường ai, cuộc sống vợ chồng rối tung lên.

Không biết tôi làm vậy thì có quá đáng không, làm sao để sửa được tính hoang phí vô độ của vợ? Có ai rơi vào hoàn cảnh như nhà tôi không? Hãy chia sẻ cho tôi kinh nghiệm để giải quyết việc này.

Đường Viên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chong-khong-cho-quan-ly-tien-vo-ngang-nguoc-be-con-ve-nha-ngoai-doi-ly-hon-ar771624.html