Chồng là đôi mắt, đôi tay, đôi chân của người vợ khiếm thị

Mặc cảm, từng không nghĩ sẽ tìm thấy tình yêu với một chàng trai lành lặn, Dung từ chối tình cảm của Tuyến. Sau nhiều thử thách, họ nên duyên vợ chồng và có cuộc sống viên mãn.

Năm 18 tuổi, do mắc phải bệnh lạ, đôi mắt của Lê Kim Dung (sinh năm 1984, Sơn Tây, Hà Nội) mờ dần rồi không còn nhìn thấy gì. Gia đình đưa cô đi khắp nơi chạy chữa nhưng không có kết quả.

Sau thời gian dài tự giam mình trong nhà, tuyệt vọng, buồn bã, Dung quyết tâm vượt lên nghịch cảnh. Cô xin phép cha mẹ ra trung tâm Hà Nội để theo học chữ Braille, hệ thống chữ nổi dành cho người mù và người khiếm thị.

Tại đây, Dung vừa học chữ, vừa đăng ký lớp học xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị.

Công việc này không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi đôi bàn tay phải hoạt động liên tục, dùng nhiều sức lực. Mệt mỏi, không ít lần Dung muốn bỏ dở việc học.

Tuy nhiên, nghĩ đến gia đình, cùng sự quyết tâm có một công việc để nuôi sống bản thân, cô gái sinh năm 1984 kiên trì theo đuổi.

Sau hơn một năm, cô quen dần và bắt đầu có nguồn thu nhập từ công việc xoa bóp, bấm huyệt.

 Năm 18 tuổi, do một căn bệnh lạ, mắt của Dung mờ dần rồi không còn nhìn thấy gì.

Năm 18 tuổi, do một căn bệnh lạ, mắt của Dung mờ dần rồi không còn nhìn thấy gì.

Tình yêu chân thành

Trong một lần về thăm gia đình, Dung gặp tình yêu của đời mình. Anh là Phạm Văn Tuyến (sinh năm 1980, Hà Nội). Tuyến chơi thân với một người anh họ của Dung. Thời điểm mới quen nhau, anh đi nghĩa vụ đóng quân ở gần nhà Dung ở Sơn Tây.

Ngay lần đầu gặp gỡ, chàng trai Hà thành đem lòng cảm mến cô gái khiếm thị với nghị lực phi thường. Sau những lần đi chơi cùng bạn bè, tình cảm giữa hai người dần nảy nở. Họ chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống.

Tuần nào về thăm nhà, Dung cũng nấu những món ăn ngon mang vào doanh trại cho Tuyến. Còn anh, mỗi lần nghỉ phép lại đưa cô đi chơi, thăm thú.

Hai tháng sau lần gặp gỡ đầu tiên, Tuyến lấy hết can đảm thổ lộ với người con gái mình đem lòng tương tư. Thế nhưng, đáp lại tình cảm của anh, Dung một mực từ chối.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, có ngày, mình được một người đàn ông bình thường, lành lặn để ý. Ban đầu, tôi không tin đó là sự thật, chỉ nghĩ anh đang thương hại mình. Nếu may mắn, tôi chỉ dám nghĩ sẽ gặp được một người cùng hoàn cảnh".

Nhưng lâu dần, thấy sự kiên trì và chân thành từ anh, cô đồng ý, cho cả hai một cơ hội.

Chuyện tình của Dung và ông xã nhận được nhiều sự đồng cảm.

Chuyện tình của Dung và ông xã nhận được nhiều sự đồng cảm.

Nghe tin con trai yêu cô gái khiếm thị, gia đình Tuyến ra sức ngăn cản vì "sợ nó mù bẩm sinh sẽ lây truyền sang con thì khổ". Tuyến kiên trì lựa lời khuyên giải cha mẹ và nhất quyết: "Con yêu và không thể sống thiếu cô ấy".

Có thời điểm quá mệt mỏi, cả hai đã quyết định dừng lại. Dung mặc cảm về bản thân. Còn Tuyến sợ không đủ dũng cảm để mang lại hạnh phúc cho bạn gái. Tuy nhiên, sau một năm, họ yêu lại từ đầu vì thấy không thể thiếu nhau.

Thấu hiểu nỗi lòng của con, cha mẹ Tuyến chấp nhận mối tình này.

"Khi cha mẹ đồng ý, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, nỗi lo trĩu nặng bấy lâu đều tiêu tan. Khi ấy, tôi chỉ mong mau đến ngày cưới để được ở bên nhau", Tuyến bộc bạch.

Năm 2008, Tuyến và Dung kết hôn. Cuối năm đó, họ hạnh phúc đón con trai đầu lòng.

Về chung một nhà, anh giúp vợ chăm sóc con, là đôi tay, đôi chân và cả đôi mắt của vợ. 3 năm sau khi sinh con đầu lòng, Dung sinh thêm một bé gái. Lúc này, muốn cả gia đình được gần nhau, Tuyến động viên vợ mở trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Năm 2012, được một người bạn sang nhượng lại cửa hàng, hai vợ chồng thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe, xoa bóp cổ truyền.

Trung tâm của Dung nhận nhân viên là những người khiếm thị. Họ được lo chỗ ăn, ở và được tạo công ăn việc làm.

 Gia đình hạnh phúc của Kim Dung.

Gia đình hạnh phúc của Kim Dung.

Có việc làm và thu nhập ổn định, những người khiếm thị ở trung tâm cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Có người còn hy vọng, sau thời gian học nghề và làm việc, họ cũng sẽ sở hữu một trung tâm riêng.

“Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho bản thân và những người có cùng hoàn cảnh. Tôi muốn họ thấy rằng, dù ở đâu, hoàn cảnh nào, chỉ cần nỗ lực, chúng ta đều được sống một cuộc đời có ích, ý nghĩa”, Dung nói.

Kiều Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chong-la-doi-mat-doi-tay-doi-chan-cua-nguoi-vo-khiem-thi-post1150589.html