Chồng lấn quy định xử phạt hành chính hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng
Một số quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị chồng lấn.
Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Dự thảo mới được cho là có nhiều điểm mới và tăng mức độ xử phạt với nhiều hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.
Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra nhiều quy định chồng chéo giữa dự thảo Nghị định sửa đổi và các quy định khác.
Cụ thể, Điều 45a dự thảo quy định xử phạt hành chính với hành vi không báo cáo với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Quy định này có nguy cơ chồng chéo với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Dự thảo này cũng bổ sung một chế tài với doanh nghiệp không báo cáo là thu hồi giấy phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại các nội dung giữa hai dự thảo, đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.
Ngoài ra, Điều 45a.1 dự thảo quy định chế tài xử phạt có thể được xem là tương đối nặng. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhiều loại báo cáo, với tần suất báo cáo rất dày (theo tuần, theo tháng, theo quý, hàng năm). Quy định như vậy dường như là nặng nếu chỉ lỡ một trong số các loại báo cáo trên. Do vậy, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này, có thể sửa đổi theo hướng nếu doanh nghiệp lỡ bao nhiêu kỳ báo cáo sẽ bị tính một lần vi phạm.
Tương tự, Điều 46.1 dự thảo quy định xử phạt với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các mô tả hành vi này cũng tương tự như một số mô tả hành vi trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng (liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân).
Khi đó, có nguy cơ cùng một hành vi vi phạm nhưng bị xử phạt vi phạm hành chính bởi 2 cơ quan khác nhau, theo 2 văn bản khác nhau, không phù hợp với Điều 3.1.d Luật Xử phạt vi phạm hành chính.
Do vậy, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại nội dung giữa hai dự thảo, đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.