Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài cuối: Singapore chống lãng phí từ gốc
Singapore được coi là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và là nguồn cảm hứng để nhiều nước đặt mục tiêu phát triển các trung tâm tài chính hiệu quả.
Có được như vậy là do Singapore hội đủ các yếu tố then chốt để thành công và quan trọng hơn cả là đảm bảo một nền tảng vững chắc tạo ra cũng như phát huy được động lực để phát triển. Đó là chống lãng phí từ gốc. Khi rung hồi chuông cảnh báo về chống lãng phí, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã chỉ đạo phải tạo đột phá trong vấn đề này. Và Singapore có thể là một điểm tham chiếu phù hợp, ở góc độ nào đó.
Chống lãng phí từ chiến lược…
Một chuyên gia tại Singapore từng đúc kết thành công căn bản nhất nên học hỏi ở nước này đó là tư duy chiến lược. Singapore bắt đầu bằng chữ S và họ luôn bắt đầu từ Chiến lược (Strategy), tức là luôn đặt câu hỏi tại sao trước khi bước vào một kế hoạch. “Tại sao phải làm như vậy”, sau đó mới tạo ra các thiết chế để thực thi. Như vậy mọi kế hoạch mới có trật tự, logic, hạn chế điểm nghẽn và về tổng thể, đó chính là chống lãng phí nguồn lực.
Singapore nổi tiếng với nguồn nhân lực tốt, nhưng để đạt được danh tiếng đó, nỗ lực không phải chỉ đến từ định hướng giáo dục, đào tạo, đào tạo lại mà cũng cần đến chiến lược thu hút nhân tài. Khi Thủ tướng Lý Hiển Long nhậm chức vào năm 2004, có 7,5% dân số ở độ tuổi 65 trở lên. Đến năm 2023, tỷ lệ của phân khúc này đã tăng gấp đôi lên 16,8%. Người ta ước tính rằng Singapore sẽ trở thành một xã hội "siêu già" vào năm 2026, khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 21%. Trong khi đó, tỷ lệ sinh tổng thể (TFR) đã giảm xuống còn 0,97 vào năm 2023, lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 trong lịch sử Singapore. Những xu hướng nhân khẩu học này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong các chính sách kinh tế và xã hội nước này trong 20 năm qua.
Thu hút nhân tài nước ngoài để bổ sung cho tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại và lực lượng lao động địa phương là một cách tiếp cận được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế. Mặc dù số lượng người nước ngoài chuyển đến Singapore quá nhiều cũng tạo tâm lý bất an cho người dân, song chính phủ Singapore vẫn thúc đẩy biện pháp này với Sách Trắng Dân số công bố năm 2013 nêu chi tiết các kế hoạch của chính phủ nhằm phát triển đủ năng lực để tiếp nhận tới 6,9 triệu người vào năm 2030. Để đảm bảo cho kế hoạch này cũng như cuộc sống của người dân, Singapore đang chú trọng đảm bảo nhà ở và cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời có chính sách thu hút, tận dụng lao động cao tuổi, khuyến khích sinh sản (thông qua các chính sách làm việc linh hoạt và tạo điều kiện chăm sóc gia đình) và nhập cư chất lượng cao.
Trong bối cảnh nhiều thách thức mới trong một thế giới đầy rẫy xung đột và căng thẳng địa chính trị, định hướng của chính phủ Singapore là không được để xu hướng chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa dân túy “quá mức” ảnh hưởng đến chính trị, với cách tiếp cận là làm những gì thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh. Do đó, Singapore dựa vào các giải pháp thị trường càng nhiều càng tốt, nhưng vẫn sẵn sàng can thiệp "theo cách quyết đoán và có mục tiêu" khi cần.
Theo đó, chính phủ phải đảm bảo ba vai trò. Thứ nhất, đảm bảo tính đầy đủ của các dịch vụ công thiết yếu. Mới đây, chính phủ Singapore đã cam kết lên tới 900 triệu SGD trong 8 năm để nâng cao mạng lưới xe buýt cho các khu dân cư hiện ít được kết nối và xa hơn các nút giao thông hiện có. Thứ hai, giúp người dân thích nghi với những cú sốc. Ví dụ, trong dịch COVID-19, Singapore đã thực hiện Chương trình hỗ trợ việc làm và các ngành cơ bản như du lịch và hàng không đã lập tức vận hành hiệu quả sau khi đất nước mở cửa trở lại. Hay trong cú sốc lạm phát năm 2022, Chính phủ Singapore đã ấn định giá cả và phân bổ các khoản trợ cấp rộng rãi để tránh làm méo mó các tín hiệu giá cả và duy trì các động lực kinh tế phù hợp. Thứ ba, lập kế hoạch trước cho các khoản đầu tư trong tương lai, thậm chí chấp nhận rủi ro có thể kiểm soát. Chẳng hạn năm 2012, khi vận chuyển container toàn cầu đang phải đối mặt với suy thoái, Singapore vẫn quyết định đầu tư lớn để mở rộng cảng Tuas. Trên thực tế, kế hoạch này phù hợp với bối cảnh chuỗi cung ứng biến động hiện nay như thể được báo trước vậy.
Cùng với những chiến lược quan trọng như Quốc gia thông minh, Forward Singapore, nước này đang thúc đẩy một xã hội "sôi động và hòa nhập", "công bằng và thịnh vượng", "kiên cường và đoàn kết". Những yếu tố này tạo nên "Giấc mơ Singapore" mà những người tham gia Forward SG cho biết không chỉ là về thành công vật chất mà còn là cảm giác hoàn thành một nhiệm vụ có ý nghĩa, đóng góp cho mục đích cao cả và vì lợi ích chung.
…đến quyết sách
Nổi bật là tranh cãi về chính sách dự trữ và ngân sách quốc gia của Singapore. Tại cuộc họp Quốc hội hồi đầu năm, các đảng đối lập đã đề nghị chính phủ "xem xét lại các chính sách tích lũy dự trữ và ngân sách hiện tại" để phân bổ nhiều lợi nhuận đầu tư ròng hơn vào ngân sách hằng năm, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đồng thời tiết kiệm cho các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã thông qua đề xuất sửa đổi kêu gọi chính phủ "đảm bảo các chính sách tích lũy ngân sách và dự trữ của mình luôn có trách nhiệm về mặt tài chính và bền vững" và thay thế "tiết kiệm" cho các thế hệ tương lai bằng "lập kế hoạch và cung cấp". Thủ tướng Lý Hiển Long khi đó đã nhắc lại rằng lo ngại dự trữ có thể bị phung phí bởi một chính phủ hoang phí. Thủ tướng sáng lập Lý Quang Diệu đã đề xuất nguyên tắc rằng chính phủ phải huy động tiền- thông qua thuế hoặc đầu tư- nếu muốn chi tiêu, thay vì rút tiền từ khoản dự trữ. Toàn bộ hệ thống được thiết kế để bảo vệ dự trữ, với tổng thống đóng vai trò giám sát. Và trong khi Singapore từng chi 100% thu nhập đầu tư ròng của mình, thì điều này đã được xem xét lại, dẫn đến khuôn khổ hiện tại. Đó là chính phủ chỉ có thể chi tối đa 50% lợi nhuận đầu tư ròng. Phần còn lại sẽ quay trở lại dự trữ. Ông kết luận: "Xem xét dự trữ trong dài hạn, cân bằng phù hợp giữa nhu cầu hiện tại và tương lai - đây là trách nhiệm quan trọng của bất kỳ chính phủ Singapore nào".
Ngay cả khi là một nền kinh tế phát triển, Singapore vẫn phải theo đuổi tăng trưởng và nâng cấp. Đó là lý do tại sao chính phủ đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như các công nghệ mới như robot và trí tuệ nhân tạo. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được triển khai, ví dụ như Nhà ga 5 của Sân bay Changi và Cảng Tuas, để nâng cao lợi thế cạnh tranh như một trung tâm logistics toàn cầu.
Nhiều thương hiệu toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như Pfizer, Hyundai, GlobalFoundries và Maersk, đã mở các cơ sở mới tại Singapore. Điều đó sẽ giúp Singapore tạo thêm được nhiều việc làm, đồng thời nâng cao trình độ của người lao động. Chính phủ Singapore đang nỗ lực giúp người lao động tiếp thu các kỹ năng mới hoặc trau dồi các kỹ năng hiện có thông qua sáng kiến SkillsFuture. Chính phủ cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lao động và các nhà tuyển dụng để “trang bị lực lượng lao động” cho nền kinh tế tương lai. Đây chính là chống lãng phí cơ hội.
Trước những lo ngại đang diễn ra về nhu cầu nhà ở và khả năng mua/thuê nhà ở, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp hạ nhiệt bổ sung và tăng nguồn cung căn hộ HDB mới, giúp ổn định thị trường bất động sản. Vào tháng 10 vừa qua, lô căn hộ đầu tiên theo khuôn khổ Standard, Plus or Prime mới của HDB đã được ra mắt. Một trong những quy định mới là người mua nhận được trợ cấp lớn hơn sẽ phải trả lại số tiền này cho HDB khi các căn hộ được bán lại sau này. Thời gian sở hữu nhà tối thiểu trước khi bán cũng được tăng từ 5 năm lên 10 năm, đối tượng mua nhà cũng được thắt chặt.
Chính phủ cho rằng những đổi mới trong chính sách nhà ở phản ánh cam kết của Singapore luôn là một quốc gia của những người sở hữu nhà. Chính phủ quyết tâm duy trì nhà ở công cộng tại Singapore dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và công bằng cho tất cả mọi người. Chống đầu cơ bất động sản cũng là cách để chống lãng phí.
Để hỗ trợ tầm nhìn dài hạn của đất nước đối với nền kinh tế, nhà chức trách Singapore nhận định phải tiếp tục có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch đất đai và quản lý cẩn thận quỹ đất và không gian hạn chế của mình để tối đa hóa các cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời đáp ứng các mục đích sử dụng khác để tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân Singapore. Chính quyền cũng đang xem xét việc tinh chỉnh các chính sách và kế hoạch để tích hợp nhiều mục đích sử dụng hơn, chẳng hạn như không gian dân cư và giải trí trong các khu phát triển công nghiệp và thương mại, nhằm tạo ra nhiều khu vực sử dụng hỗn hợp hơn. Đây là điểm nhấn lâu nay của Singapore khi các khu phức hợp thường có nhiều công năng sử dụng, trong bối cảnh Singapore là một trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế.
Như Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh, Singapore không còn xây dựng một quốc gia từ con số 0 nữa, nhưng không thể cứ thế mà đi và chỉ dựa vào những công thức hiện có. Sáng tạo, đổi mới là cần thiết và điều kiện đủ là luôn đảm bảo một nền tảng quan trọng nhất, đó là chống lãng phí, ở mọi lĩnh vực.