Chóng mặt do sốc nhiệt: Xử trí kịp thời để tránh nguy hiểm

Chóng mặt có thể liên quan đến một loạt các triệu chứng bao gồm buồn ngủ, mất thăng bằng, cảm thấy yếu người, lo lắng và buồn nôn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiều rối loạn khác nhau của cơ thể hoặc cũng có thể là do sốc nhiệt.

Say nắng - hiện tượng cơ thể bị sốc nhiệt thường gặp trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao

Say nắng - hiện tượng cơ thể bị sốc nhiệt thường gặp trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao

Chóng mặt vì lạm dụng điều hòa

Theo các chuyên gia, nhiệt độ ở những nơi có máy điều hòa như văn phòng hay trên ô tô chỉ nên chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài từ 7 - 8 độ. Tuy nhiên, trung bình, nhiệt độ trong phòng điều hòa từ 22 - 25 độ, tức là chênh đến 15 - 20 độ so với nhiệt độ bên ngoài. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn ảnh hưởng đến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể dễ gây ra những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, mặt đỏ, nhịp tim nhanh…

Để tránh nguy hiểm, chúng ta cần có thời gian để cơ thể thích nghi. Từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời, cần có biện pháp che chắn, bảo vệ cơ thể, không nên đi đầu trần, người không áo khoác. Sau khi ở ngoài nắng nóng quá lâu, lúc quay trở vào môi trường máy lạnh, chúng ta càng cần lưu ý hơn vì mạch máu đang giãn ra bỗng co lại bất ngờ là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, chóng mặt, tê liệt dây thần kinh số 7, méo miệng hay ngất xỉu.

Một số đối tượng dễ tăng nguy cơ sốc nhiệt như người già và trẻ em cần có một số biện pháp sơ cứu y tế tạm thời để tránh những tổn thương nghiêm trọng cho não và một số cơ quan quan trọng khác. Với những người béo phì, ít vận động, hoặc đã có tiền sử sốc nhiệt nhiều lần càng nên cẩn trọng hơn để tránh những biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể.

Trong trường hợp sốc nhiệt nặng cần phải điều trị, người thân có thể sử dụng kỹ thuật làm mát bốc hơi khi phun nước mát lên da của người bệnh trong không khí ấm hoặc chườm túi nước đá hay khăn lạnh vào các khớp, cổ, lưng, nách để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Trong trường hợp người sốc nhiệt có kèm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, việc cho người bệnh sử dụng các loại thuốc chứa acetyl-dl-leucine là rất cần thiết để giúp nhanh chóng cắt cơn chóng mặt.

Chóng mặt do say nắng, say nóng

Say nắng là hiện tượng cơ thể bị sốc nhiệt do ở hay làm việc quá lâu dưới trời nắng, khiến hai trung tâm của cơ thể là phần đầu, gáy bị tổn thương, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn do không thể điều tiết được nhiệt độ cơ thể kịp ở ngưỡng an toàn, kèm thêm tình trạng mất nước khiến bệnh tình càng trầm trọng hơn.

Say nắng thường dẫn đến say nóng, tuy nhiên, say nóng lại là một hiện tượng tương đối khác. Dù tránh ánh nắng trực tiếp nhưng nhiệt độ trong không khí quá nóng khiến một số người đặc biệt dễ bị say nóng hơn như người già, trẻ em hay người phải vận động mạnh. Khi đó, thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, mồ hôi không đủ giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát dẫn đến tình trạng say nóng, khiến nhịp tim, huyết áp bị ảnh hưởng, gan, nội tạng, hệ thần kinh Trung ương cũng bị những tổn thương nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời.

Điều đầu tiên cần làm khi bị say nắng, say nóng là cơ thể cần hạ nhiệt ngay. Lúc này, bạn cần di chuyển vào nơi râm mát hoặc nơi có điều hòa, bỏ bớt quần áo không cần thiết như áo khoác, bao tay, tất… để cơ thể thoát nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể chưa được cải thiện đáng kể, bạn nên chèn túi nước đá hay sử dụng khăn lạnh lau vùng nách, bẹn, cổ, lưng để cơ thể nhanh chóng hạ nhiệt. Trong trường hợp thấy triệu chứng không cải thiện, hãy gọi số cấp cứu y tế 115 để được sơ cấp cứu kịp thời, tránh những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể.

Gia Bảo (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chong-mat-do-soc-nhiet-xu-tri-kip-thoi-de-tranh-nguy-hiem/826197.antd