Chống oan, sai

'Công tác của ta ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị, quyền lợi của người dân' - lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu sau 4 tháng ông tuyên thệ nhậm chức Chánh án TAND Tối cao. Cũng tại hội nghị này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các tòa án cả nước cố gắng hơn trong công việc gồm giải quyết các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, không để tình trạng: 'Cờ thi đua cứ nhận, nợ với dân vẫn còn'.

Pháp luật quy định xét xử theo hai cấp sơ – phúc thẩm, việc tái thẩm hoặc giám đốc thẩm là xem xét lại bản án đã có hiệu lực và nhiều lần đã trở thành chốt chặn chống oan, sai. Điển hình như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang nhận án tử hình và may mắn được cứu sống bởi giám đốc thẩm. Hay gần đây, nhiều người đã cảm ơn TAND cấp cao tại Hà Nội khi tuyên hủy 2 bản án phạt tù tài xế container đâm xe Innova đi ngược chiều trên cao tốc để điều tra lại.

Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn được giám đốc thẩm.Từ năm 2017 tới nay, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng nhanh nhưng vẫn chưa đạt 60% theo yêu cầu của Quốc hội. Năm 2019, có hơn 18.000 đơn đề nghị nhưng tòa án chỉ giải quyết được hơn 9.100 vụ, “nợ” lại 9.000 đơn.

Chưa biết số đơn “nợ” lại đúng hay sai, bởi có thể nhiều bản án tuyên đúng nhưng đương sự vẫn gửi đơn xin xét lại để... cầu may. Tuy nhiên, con số 9.000 đơn chưa được giải quyết cũng thể hiện tình trạng búc xúc của xã hội, là ước mong của những người “vô phúc đáo tụng đình”.

Người dân có quyền đặt nghi ngờ khi hệ thống xét xử cấp trên kiểm tra cấp dưới, huyện xử sai xin tỉnh đừng hủy án, liệu tỉnh có từ chối? Đã có trường hợp, cấp phúc thẩm thừa nhận cấp sơ thẩm có sai, nhưng cho rằng sai sót không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc. “Án tại hồ sơ”, nhiều trường hợp ra tòa bị cáo kêu oan nhưng trong hồ sơ lại nhận tội. Tòa tin hồ sơ hay tin bị cáo?

Gần như tất cả các bị cáo kêu oan đều khai bị bức cung, nhục hình, mớm cung và chắc chắn thẩm phán sẽ yêu cầu họ chứng minh. Chứng minh làm sao trong bốn bức tường giam. Trong vụ án kinh tế liên quan thủy điện Sơn La được xét xử năm 2019, các bị cáo khai điều tra viên mớm cung, đề nghị chủ tọa xem băng ghi âm, ghi hình. Điều tra viên đáp trả, bản cung có đóng dấu thể hiện ghi âm, ghi hình nhưng thực tế không thực hiện. Kết quả, tòa xác định... không có mớm cung.

Hôm nay, theo dự kiến, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ ra phán quyết giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Gia đình Hải đã chờ phiên tòa này 12 năm và chính Viện KSND Tối cao cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong vụ án. Những người quan tâm vụ án mong chờ một quyết định thật khách quan từ 17 vị thẩm phán tối cao, như lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình từng nói: “Mỗi bản án phải là một áng văn khuất phục được tội phạm, thuyết phục được xã hội”.

Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/chong-oan-sai-1654494.tpo