Chống rác thải nhựa đại dương: Bài 1 - Nhiều mô hình hiệu quả

Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đầu tháng 6 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ phát động Quốc gia Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương thế giới. Các sự kiện sẽ tập trung tuyên truyền chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ biển và đại dương và môi trường nói chung. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết chủ đề "Chống rác thải nhựa đại dương".

Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển Đầm Nại (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển Đầm Nại (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Bài 1 - Nhiều mô hình hiệu quả

Nhiều mô hình phòng, chống rác thải nhựa biển hiệu quả được các cộng đồng cư dân thực hiện, cho thấy ý thức của người dân được nâng lên trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa biển nói riêng.

Hòn đảo “nói không với nhựa”

Để phát triển du lịch bền vững, từ ngày 1/9/2022, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) thí điểm áp dụng quy định du khách không mang vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến Cô Tô. Cùng các hoạt động thực hiện Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” giai đoạn 2020-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cô Tô đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động du khách để hoạt động thí điểm mang lại kết quả tích cực.

Việc sử dụng túi nilon đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người dân. Để thay đổi ý thức, thói quen của người dân, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức các hội nghị tại nhà văn hóa thôn/khu, trường học để tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon. Hội đã thành lập các tổ đi đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn và ký cam kết việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon.

Đặc biệt, Hội đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện cấp kinh phí mua 1.000 chiếc làn nhựa cấp phát miễn phí cho các hộ dân nhằm giảm việc sử dụng túi nilon. Ngoài ra còn mua cấp đổi 3,2 tấn túi thân thiện cho các hộ kinh doanh tại trung tâm thương mại của huyện; mua 650kg túi phân loại rác thải để giới thiệu cho nhân dân trên địa bàn huyện; tổ chức 10 đợt tuyên truyền, vận động du khách không mang túi nilon ra đảo, phát trên 10.000 túi thân thiện với môi trường; tổ chức dán logo tuyên truyền huyện Cô Tô "nói không với túi nilon" trên các phương tiện tàu chở khách. Qua các đợt tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động du khách để lại trên 100kg túi nilon.

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ, chủ cơ sở Co To Center Homestay xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô cho biết, đã sử dụng chai thủy tinh thay thế cho chai nhựa dùng một lần từ cách đây 7 năm tại cơ sở kinh doanh du lịch của mình. Ước tính mỗi năm, cơ sở của chị giảm thải ra môi trường được khoảng 2.000 chai nhựa.

Các cấp Hội trong huyện đã tích cực triển khai phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; thường xuyên tổ chức các buổi dọn vệ sinh môi trường tại các trục đường thôn, xóm, nhà văn hóa, các bãi biển. Đặc biệt, mô hình "Biến rác thành tiền" được triển khai từ năm 2019 đã góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời có nguồn quỹ để hỗ trợ trẻ em, hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cô Tô cho biết, để thực hiện thành công Đề án "Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc với tinh thần cao nhất và mang tính dài hơi của cả hệ thống chính trị gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cô Tô, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những mục tiêu và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, việc thực hiện thành công Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện một cách bền vững.

Nhận thức rõ tác hại của nhựa, tại Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy...

Cũng theo Kế hoạch này, các mục tiêu trên đến năm 2030 sẽ là: giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Kết nối các nguồn lực cộng đồng

Mới đây, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã được đồng thành lập và thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Một trong những dự án hiệu quả đầu tiên của Mạng lưới là dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố”.

Dự án nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh ven biển. Dự án được triển khai bởi các tổ chức địa phương như: Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa.

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang để đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Những người này đóng vai trò là người giám sát tại từng địa điểm để đảm bảo từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom. Mô hình đã thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông về quản lý rác thải nhựa và rác thải. Với sự nhắc nhở sát sao, dự án ghi nhận kết quả 80% hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn.

Tại tỉnh Bình Thuận, Dự án đã tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa cho 450 học sinh lớp 12; đồng thời thực hiện mô hình Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, thành phố Phan Thiết.

Mô hình chống rác thải nhựa, hướng tới kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Bình Định là một trong những thành công điển hình của Dự án. Từ cuối năm 2020 đến nay, với việc áp dụng nhiều mô hình thu gom rác thải hiệu quả, những hộ dân sinh sống ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và coi đó như một thói quen. Những thùng rác với màu sắc khác nhau, ghi chú cụ thể giúp họ dễ dàng phân loại rác tại nguồn. Từ 15 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ ngày hôm sau, mọi người cùng nhau đem rác đã phân loại ra thả vào các thùng rác được nhân viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải đặt dọc tuyến kè ven biển để nhân viên môi trường thu gom, chở đi nơi khác xử lý. Theo chị Trần Tố Uyên (xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn): "Từ khi phân loại rác đã đem lại một thói quen, giúp người dân có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi như trước nữa. Đường phố sạch đẹp cũng thu hút được nhiều khách du lịch hơn".

UBND xã cũng đã áp dụng đồng thời hai mô hình bảo vệ môi trường “Ngôi nhà xanh” thu gom bao bì nhựa và "Nhà rác" thu gom rác thải nhựa tái chế để người dân bỏ rác vào. Lượng rác này sẽ được giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổ xử lý rác quản lý, bán ve chai, tạo quỹ hoạt động. Ngoài ra, xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, cấm người dân vứt rác bừa bãi, nếu hộ nào vi phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt hành chính để mang tính răn đe.

Bà Phạm Thị Gái (xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn) cho biết: "Hễ có ly, chai nhựa thải ra là tôi mang đến "ngôi nhà xanh", còn rác thải độc hại thì bỏ vào thùng rác, những người làm bên môi trường sẽ đem đi đổ. Việc áp dụng các mô hình xanh như thế này giúp ích cho xã hội rất nhiều, giảm các nguồn bệnh, giảm ô nhiễm môi trường".

Phó Chủ tịch UBND Xã Nhơn Hải Nguyễn Ngọc Nam cũng khẳng định, qua áp dụng các mô hình xanh, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao, ý thức chấp hành việc phân loại rác, bỏ rác hiệu quả. Đến nay, 100% hộ dân trong xã thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, môi trường ngày càng sạch sẽ hơn. Du khách đến đây đánh giá địa phương là một trong những địa bàn ven biển có môi trường xanh - sạch - đẹp góp phần vào phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển du lịch biển.

Việc thực hiện tốt tiêu chí về môi trường cũng đã giúp xã Nhơn Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, tự tin thu hút du khách về tham quan, lưu trú với mục tiêu đón khoảng 50.000 lượt khách trong năm 2023.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Bài cuối - Thay đổi tư duy, hành động

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/chong-rac-thai-nhua-dai-duong-bai-1-nhieu-mo-hinh-hieu-qua-20230528103621419.htm