Chống rác thải nhựa ở Phú Yên: Nhiều chuyển biến tích cực

Người dân và đoàn viên thanh niên huyện Tuy An tham gia làm sạch và thu gom rác thải nhựa ở Hòn Yến. Ảnh: VĂN TÀI

Được triển khai từ tháng 6/2019, đến nay phong trào hạn chế rác thải nhựa ở Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân, cũng như thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Kết quả bước đầu

Để giảm thiểu, chống ô nhiễm do rác thải nhựa ở Việt Nam, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, hành động giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và chất hữu cơ khó phân hủy.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, sau hơn một năm thực hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa, nhận thức của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn rất nhiều, bước đầu có giải pháp, sản phẩm thay thế cho túi ni lông khó phân hủy và nhựa sử dụng một lần. Trong đó đã thành lập được Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu chung là đẩy mạnh thu gom tái chế bao bì nhằm cải thiện môi trường; Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) với các tổ chức xã hội, cá nhân cam kết thực hiện và lan tỏa lối sống không rác thải.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã hưởng ứng chống rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể như: Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã không sử dụng bao ni lông đựng chăn mà thay bằng bao giấy; các hãng sản xuất đồ uống: La vie, Pepsi, Coca-Cola, Aquafina đã bỏ màng nhựa trên hàng tỉ nắp chai nhựa, từ đó giảm thiểu được hàng tấn ni lông ra môi trường. Người tiêu dùng dần thay thế túi ni lông bằng lá chuối, lá sen để gói hàng trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều kế hoạch phòng chống rác thải nhựa triển khai đến cấp cơ sở, góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Theo ông Trương Đình Khai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, tại Phú Yên thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, trên địa bàn tỉnh bước đầu thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm truyền thống như giỏ nhựa, túi cói, túi vải; không sử dụng nước đóng chai trong các cuộc họp, hội nghị tại các cơ quan. Một số khách sạn, nhà hàng lớn cũng đã dần thay thế các vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần bằng vật dụng từ tre nứa, bẹ chuối, mây cói sử dụng nhiều lần…

Ngoài ra, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động cũng như đã ký cam kết tham gia xây dựng “Đô thị giảm nhựa” và dự án Giảm thiểu rác thải nhựa với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), nhằm giảm thiểu 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và tiến đến không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý chất thải từ nuôi trồng thủy sản. Hiện tỉnh chỉ có hai bãi rác được chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp đốt thủ công đang trở thành vấn đề môi trường đáng quan tâm.

Cùng hành động để chống rác thải nhựa

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Phú Yên là một trong những tỉnh đi tiên phong trong phong trào phòng chống rác thải nhựa. Để phong trào này đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực, lực lượng, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cả cộng đồng. Giải pháp đột phá vẫn là thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân; thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa, xả thải gây ô nhiễm môi trường.

“Với quyết tâm cao, sự nỗ lực, đồng hành, chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công mục tiêu giảm thiểu, kiểm soát, ngăn chặn tiến tới không còn rác thải nhựa, góp phần cải thiện môi trường”, ông Tài nhấn mạnh.

Còn theo ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN-MT, mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Nhất là thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; thay vào đó là sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Mỗi người cần tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

Thiết nghĩ, để chống rác thải nhựa, chúng ta cần hành động nhanh chóng. Có như vậy, những nguy cơ từ rác thải nhựa dần được ngăn chặn và môi trường sống của chúng ta mới trở nên an lành.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/252672/chong-rac-thai-nhua-o-phu-yen--nhieu-chuyen-bien-tich-cuc.html