Chống 'sốc' cho trẻ khi vào lớp 1

Trong tháng 8, nhiều trường tổ chức đón học sinh vào lớp 1 và rèn cho các em một số kỹ năng cần thiết trước khi chính thức bước vào năm học mới.

Cô trò lớp 1A3 năm học 2024 - 2025 Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô trò lớp 1A3 năm học 2024 - 2025 Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: TG

Sẵn sàng tâm thế

Vào lớp 1 là bước ngoặt lớn vì trẻ chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập. Ở trường tiểu học, việc học là bắt buộc, hoạt động chính nên trẻ khó tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhiều phụ huynh đã suy nghĩ sai lầm khi cho rằng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là phải dạy trẻ biết đọc, viết, làm toán nhưng điều đó vô tình làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.

Thầy Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (Thanh Trì, TP Hà Nội) thông tin, được sự cho phép của phòng GD&ĐT huyện, phụ huynh đồng thuận, nhà trường tổ chức hoạt động hè cho học sinh và tiếp tục trang bị cho trẻ vào lớp 1 một số kỹ năng cơ bản.

Trong đó có kỹ năng tự phục vụ bản thân (tự ăn, vệ sinh cá nhân); đảm bảo an toàn khi hoạt động tại trường (vui chơi, đi lại...); tự bảo vệ mình (không tiếp xúc với người lạ); hoạt động theo nhóm khi tham gia các trò chơi tập thể; phòng tránh nguy hiểm; chia sẻ, giúp đỡ bạn bè.

Cũng theo thầy Thủy, ngay từ cuối năm học bậc mầm non, cha mẹ nên kể và cho trẻ tới tham quan trực tiếp ngôi trường tiểu học mà các em sẽ học trong thời gian tới. Qua thực tế, trẻ dần hình dung và cảm nhận được sự mới lạ của ngôi trường, thầy cô. Đồng thời cho trẻ tham gia một số trò chơi ở tiểu học để tăng khả năng giao tiếp, sự tự tin.

Năm nay, Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định) đón 263 trẻ vào lớp 1. Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng trao đổi: Sau khi hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi, trẻ cần được tiếp tục rèn một số kỹ năng như: Tự phục vụ; giao tiếp; tự vệ sinh; phòng tránh các tai nạn ở nhà, trường và trên đường đến trường; làm quen với chữ và số.

Thầy cô cũng rèn cho trẻ về tư thế ngồi học, cách cầm bút đúng, tác phong nhanh nhẹn, tự tin và lễ phép với người lớn trong giao tiếp cũng như hòa đồng với bạn bè. Giáo viên thường tổ chức các hoạt động dưới dạng trò chơi để cung cấp kiến thức, đồng thời yêu cầu các em tham gia phải đúng luật...

Cha mẹ cũng nên trang bị cho trẻ đầy đủ dụng cụ học tập, sách vở cần thiết để phối hợp cùng cô giáo trong việc rèn luyện cách cầm bút, tư thế ngồi học. Ở nhà hay trên lớp, trẻ sẽ được học cách tự xúc cơm, vệ sinh cá nhân, sắp xếp sách vở, đồ dùng cá nhân… Khi trẻ làm đúng, cô giáo sẽ dành lời khen để động viên, khích lệ.

 Thầy Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ảnh: TG

Thầy Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ảnh: TG

Cần sự đồng hành từ phụ huynh

Với hơn 20 năm trong nghề, cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) cho rằng, trước khi vào năm học mới, giáo viên sẽ có một tuần thực hành kỹ năng cho trẻ như biết làm quen với bạn bè, cô giáo, trường lớp, giới thiệu về mình để mọi người cùng biết.

Cho trẻ đi thăm trường để biết vị trí phòng học, chức năng, văn phòng, y tế, tư vấn học đường, học Tiếng Anh, Âm nhạc.... Qua đó, các em biết cách di chuyển đến nơi mình cần khi tham gia các môn, hoạt động giáo dục và thực hành.

Các em được thăm khu vệ sinh, thực hành việc đi vệ sinh đúng nơi quy định, biết giữ vệ sinh khi tham gia các hoạt động, biết vui chơi an toàn trong trường, bảo vệ bản thân khi bị bắt nạt. Nhà trường cũng dạy trẻ cách phòng tránh tai nạn thương tích, phòng cháy và thoát nạn khi có sự cố liên quan đến cháy nổ…

“Chuẩn bị hành trang cho trẻ 5 - 6 tuổi giúp các em có khả năng tư duy, sáng tạo, tự tin, hòa nhập và phát triển những kỹ năng học tập, làm việc nhóm. Trẻ còn làm chủ bản thân và tạo điều kiện để chuyển sang cấp học mới một cách tự tin, hòa nhập tốt hơn”, cô Vũ Thị Thanh nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò phối hợp của phụ huynh, cô Đào Thị Luyến – giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, dù thầy cô trên trường có tận tâm chỉ dạy hay đến mấy mà phụ huynh ở nhà không quan tâm, sát sao rèn luyện cho con em thì hiệu quả cũng không đảm bảo.

Khi bước vào môi trường học tập mới, học sinh phải rèn được kỹ năng tự phục vụ; trong đó có việc soạn sách vở theo ký hiệu, bố mẹ không nên làm hộ mà để trẻ tự làm. Ngay từ mầm non, trẻ được cô giáo dạy khi nói năng phải biết thưa gửi, nói lời cảm ơn – xin lỗi đúng lúc và phải thực hành thường xuyên.

Cô Luyến cho rằng, sự đồng hành của bố mẹ trong quá trình phát triển của trẻ khi bắt đầu vào lớp 1 rất quan trọng. Bố mẹ có thể cùng khám phá thế giới xung quanh bằng cách cho trẻ đi tham quan, trải nghiệm, đọc sách hay hoạt động ngoài trời. Bố mẹ hãy để các em được phát huy thế mạnh, sở trường của mình ở từng lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, thể thao… để rèn sự tự tin.

“Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bố mẹ bằng giao tiếp qua lại sẽ giúp trẻ có thể tự tin bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu một cách dễ dàng. Khi đồng hành, bố mẹ sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội như cách ứng xử với người xung quanh, tinh thần làm việc nhóm, từ đó có thể phát triển toàn diện”, cô Đào Thị Luyến khẳng định.

ThS Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho rằng, khi trẻ mới vào lớp 1, giáo viên nên có chỉ dẫn rõ ràng về những quy tắc mới cũng như rèn sự tập trung cho trẻ. Thay vì bắt phạt, thầy cô nên khích lệ tinh thần các em bằng những lời khen nếu hoàn thành việc được giao. Ngoài ra, giáo viên không nên đặt áp lực không cần thiết, tôn trọng khả năng từng em để có cách tiếp cận, động viên phù hợp.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chong-soc-cho-tre-khi-vao-lop-1-post694265.html