Chống tàu cá vi phạm IUU: Quản lý linh hoạt, xử lý mạnh tay
So với cả nước, đội tàu cá miền Trung hoạt động rầm rộ nhất. Đây cũng là nơi nắm giữ các ngư trường, vùng biển quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1 và vùng biển phía Nam… Giai đoạn căng mình gỡ 'thẻ vàng' thủy sản, nhiều địa phương đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc làm việc với phái đoàn EC.
Dùng công nghệ để giám sát
Tại "thủ phủ" đánh cá xa bờ lớn nhất miền Trung – thị xã Hoài Nhơn, đội tàu cá phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn) được đánh giá là “điểm sáng” trong thực hiện các quy định IUU. Ông Huỳnh Văn Hậu, phụ trách ngư nghiệp phường Hoài Thanh cho biết, đội tàu ngư dân Hoài Thanh hiện có 170 chiếc, từ 19 mét trở lên, hành nghề lưới vây ánh sáng xa bờ. Nhờ linh hoạt trong đánh bắt, đội tàu quy tụ thành từng nhóm nên ngư dân Hoài Thanh đánh bắt đạt hiệu quả cao, năm 2023 sản lượng đánh bắt đạt 10.500 tấn (166 tàu xa bờ), doanh thu trên 700 tỷ đồng. “Mười năm trở lại đây, đội tàu cá Hoài Thanh không vi phạm IUU”, ông Hậu khẳng định.
Những năm qua ngư dân Hoài Thanh phát triển mạnh loại hình đánh cá bằng thả chà ở các cụm đảo Trường Sa nên hiệu quả rất cao và giảm các nguy cơ vi phạm IUU. Năm 2023, nhiều chủ tàu đánh bắt đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, đội tàu phát triển lên cả chục chiếc, dần hình thành tập đoàn, công ty cổ phần đánh cá giữa biển. Các mô hình đánh cá hiệu quả nhất có thể kể đến, như: Nguyễn Văn Thương (đội tàu 11 chiếc xa bờ), Huỳnh Hữu Tài, Võ Trung…
Theo ngư dân Nguyễn Văn Thượng (49 tuổi), đội tàu đặt ra các quy định riêng để chung tay cùng đất nước sớm gỡ "thẻ vàng". Nhờ mô hình đánh cá bằng chà, hay xây nhà cho cá giữa biển nên đội tàu những năm qua làm ăn hiệu quả, không vi phạm quy định IUU. Đặc biệt, nghề giữ chà giữa biển giúp ngư dân có mặt gần như quanh năm suốt tháng trên các biển đảo quê hương.
Đà Nẵng là địa phương lâu nay không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Để làm được như vậy, hằng ngày đội điều hành cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đều có nhật ký khai thác hành trình, kiểm tra thông tin tàu cá trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Việt Nam Vnfishbase…
Theo ông Nguyễn Lại, Trưởng ban Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, địa phương đã phân quyền cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Những tàu ngắt kết nối, lực lượng chức năng tìm cách liên lạc, yêu cầu chủ tàu khắc phục ngay. Việc cập nhật công nghệ mới cũng là yêu cầu bắt buộc. Mới đây, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử - eCDT VN sử dụng trên điện thoại thông minh cũng được tập huấn cho tất cả đối tượng, tiến tới tự động hóa hoàn toàn, thay thế cho việc truy xuất trên bản giấy như hiện nay.
Với đặc thù là trạm biên phòng quản lý cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung, Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhìn nhận, các chiến sĩ chú trọng tuyên truyền trên nền tảng ý thức của ngư dân bởi “cái gốc tốt thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn". Công tác tuyên truyền được tổ chức theo 3 hình thức: tập trung, phát tờ rơi và làm việc cụ thể đối với những trường hợp trễ hẹn đăng kiểm, trễ giấy phép khai thác 2 lần trở lên.... Ngư dân ngày càng hiểu hơn về quy định chống khai thác IUU bởi gỡ "thẻ vàng" rất có lợi cho đầu ra hải sản đánh bắt được.
Phú Yên: Tổ sản xuất an toàn trên biển
Gần 6 năm liền, tỉnh Phú Yên chưa có tàu cá nào vi phạm quy định đánh bắt trái phép, vượt biên vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đánh bắt theo đội, hầu hết tàu cá Phú Yên đều nắm tình hình của nhau để giám sát, động viên bám biển, tránh vi phạm các quy định IUU.
Ngư dân Huỳnh Kim Hoàng (phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa) cho biết, từ năm 2016, mô hình “Tổ sản xuất an toàn trên biển” đã đồng hành với các ngư dân. Trên từng chuyến biển, các ngư dân trong tổ đội thường nhắc nhở nhau tuyệt đối không vi phạm IUU. Bởi, hầu hết ngư dân Phú Yên đều nắm rõ nếu ngành thủy sản bị "thẻ vàng" thì hải sản đánh bắt trên biển sẽ bế tắc đầu ra, giá cả rất thấp và bấp bênh.
Từng cấp kiểm điểm nếu vi phạm IUU
Tỉnh Bình Định là địa phương có đội tàu cá rất lớn với trên 5.300 tàu, trong đó 3.200 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đợt làm việc với phái đoàn EC năm 2023, Bình Định được đối tác quốc tế đánh giá tích cực vì hệ thống giám sát, quản lý đến xử lý các tàu cá vi phạm tỉnh này linh hoạt.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định đánh giá, dù thị xã Hoài Nhơn có đội tàu cá rất lớn, nhưng trong nhiều năm liền không để tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong quản lý đội tàu, thị xã này quản lý rất chặt chẽ, kỹ lưỡng từ khi xuất bến cho đến ra khơi đánh bắt và trở về.
Đưa nội dung tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hàng năm, theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đối với các địa phương để xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm, tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân từ lãnh đạo tỉnh đến cấp xã, kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm.
Giải quyết dứt điểm tàu cá “vô gia cư”
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh còn 187 tàu cá thường xuyên hoạt động ở ngư trường các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương. Mặc dù tỉnh đã nhiều lần cử đoàn vào phía Nam để vận động và ký kết quy chế phối hợp, quản lý để giám sát đối tượng tàu cá này nhưng đến nay nguy cơ vi phạm còn cao. Tới đây, Bình Định sẽ đưa các đối tượng tàu cá này vào diện chuyển đổi nghề, xả bản (phá dỡ lấy phế liệu) để “trị” dứt điểm hệ lụy của những tàu cá “vô gia cư”. Đồng thời, Bình Định sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc tỉnh hỗ trợ mua lại tàu cá nếu ngư dân xả bản.
Trong khi đó, Đà Nẵng có 1.192 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 286 tàu khai thác ven bờ, 311 tàu khai thác vùng lộng, 595 tàu khai thác vùng khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác vùng khơi được hoàn thành.
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, để chống khai thác IUU, địa phương tập trung rà soát để quản lý chặt chẽ các đội tàu, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái tuyến, vượt ranh giới. Năm 2023, lực lượng xử lý 53 trường hợp tàu thuyền vi phạm với hơn 1,2 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không duy trì thiết bị giám sát hành trình, không tuân thủ việc chấp hành quy định nội quy cảng cá và một số vi phạm liên quan đến nhật ký khai thác. Khi phát hiện tàu cá vi phạm thì lực lượng chức năng xử lý nghiêm rồi mới cho bốc dỡ thủy sản xuống cảng.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản toàn TP Đà Nẵng đạt 35.000-38.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 - 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 - 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.
Hơn 97% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình
Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án phát triển trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Đến nay, Việt Nam đạt được một số kết quả nổi bật như: xây dựng khung pháp lý toàn diện về quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác IUU theo quốc tế; xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, kết nối với các lực lượng thực thi pháp luật; trên 97,65% tàu cá hoạt động ngoài khơi (chiều dài từ 15m trở lên) được lắp thiết bị giám sát hành trình VMS; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện theo chuỗi...