'Chống tham nhũng càng được đẩy mạnh, cán bộ ý thức càng cao'

'Cuộc chiến chống tham nhũng có chùng xuống hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Đảng, của người đứng đầu. Nhưng chống tham nhũng càng mạnh, cán bộ ý thức càng cao'.

Chia sẻ với Zing trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã nhận định như vậy.

Hội nghị diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN) chủ trì.

Không có kẽ hở để cán bộ lợi dụng, tham nhũng

- Ông đánh giá thế nào về kết quả PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đặc biệt trong công tác xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này?

- Trong nhiệm kỳ qua, công tác PCTN được đặc biệt quan tâm, thể chế về PCTN ngày càng được hoàn thiện. Về cơ bản, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật về PCTN và quản lý kinh tế xã hội để phòng ngừa tham nhũng một cách tương đối đầy đủ, toàn diện và đồng bộ.

Về tổ chức bộ máy, chúng ta có quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo nguyên tắc kiểm soát quyền lực Nhà nước, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Pháp luật về dân sự, kinh tế, thương mại, đầu tư, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước cũng liên tục được hoàn thiện. Những quy định hướng tới bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan; hạn chế cơ chế xin cho - vốn là mảnh đất dung dưỡng cho hành vi tham nhũng; chống tình trạng sân sau, sở hữu chéo…

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá các văn bản pháp luật được quy định chặt chẽ, không có kẽ hở để cán bộ, công chức có thể lợi dụng, tham nhũng. Ảnh: Hoài Vũ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá các văn bản pháp luật được quy định chặt chẽ, không có kẽ hở để cán bộ, công chức có thể lợi dụng, tham nhũng. Ảnh: Hoài Vũ.

Pháp luật về văn hóa, xã hội và môi trường được hoàn thiện theo hướng minh bạch, công khai hơn, hạn chế kẽ hở và nguy cơ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với dân, nhũng nhiễu và gây phiền hà cho người dân trong giải quyết thủ tục.

Đặc biệt, điểm nhấn phải kể đến Luật PCTN với những quy định rõ ràng hơn về biện pháp về phòng ngừa tham nhũng, về trách nhiệm người đứng đầu, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quy định việc xử lý khi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Bên cạnh đó, các luật liên quan đến hình sự cũng hoàn thiện cơ chế điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với hành vi tham nhũng và đảm bảo việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao.

Tất cả văn bản được quy định chặt chẽ, không có kẽ hở để cán bộ, công chức có thể lợi dụng, tham nhũng.

- Cơ chế hoàn thiện là vậy, nhưng thực tế tình hình tham nhũng vẫn luôn được nhận định là nghiêm trọng và phức tạp. Vậy việc giám sát thực hiện các quy định trên được tiến hành như thế nào?

- Đi đôi với hoàn thiện pháp luật về PCTN, công tác giám sát cũng được quan tâm, tăng cường.

Với nhiều hình thức đa dạng, tập trung vào những vấn đề bức xúc, qua giám sát, Quốc hội đã chỉ ra những điểm hạn chế, bất cập trong công tác PCTN.

Đó là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, công tác kiểm tra nội bộ rất ít phát hiện ra tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao…

Với việc Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về tư pháp, công tác đấu tranh PCTN thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Số lượng người đứng đầu để xảy ra tham trong trong đơn vị đã tăng lên. Trước đây mỗi năm cả nước chỉ có 5-7 trường hợp thì năm 2020 có đến hơn 80 người đứng đầu bị xử lý. Số vụ tham nhũng cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện được, chuyển cơ quan điều tra tăng dần qua hàng năm.

Vừa qua, tỷ lệ các vụ việc vi phạm được phát hiện cao với hơn 300 vụ tham nhũng được phát hiện, khởi tố; tài sản tham nhũng thu hồi tăng hàng năm.

Xử phạt nghiêm, đương nhiên tham nhũng sẽ giảm

- Kiểm soát tài sản, thu nhập được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu trong PCTN, nhưng trong Luật PCTN sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng quy định về việc này không như kỳ vọng. Là một lãnh đạo của cơ quan thẩm tra các nội dung này, ông nghĩ sao?

- Một trong những điểm mới nổi bật của Luật PCTN 2018 chính là những chế định về kiểm soát tài sản. Trước đây với chế định minh bạch, luật quy định rất nhiều đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng lại chỉ phát hiện vài người kê khai không trung thực.

 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư, Chủ tịch nước làm trưởng ban được đánh giá đã phát huy vai trò rất tốt trong công tác PCTN thời gian qua. Ảnh: TTXVN.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư, Chủ tịch nước làm trưởng ban được đánh giá đã phát huy vai trò rất tốt trong công tác PCTN thời gian qua. Ảnh: TTXVN.

Cơ quan kiểm soát, xác minh tài sản thu nhập cũng quá nhiều đầu mối, không chuyên nghiệp, lại phụ thuộc người đứng đầu nên không hiệu quả. Đặc biệt, xử lý kê khai không trung thực cũng rất hình thức, ví dụ như vụ buôn chổi đót ở Yên Bái.

Vì thế, Luật PCTN sửa đổi đã khắc phục được điều này. Trước hết, đối tượng kê khai được mở rộng nhưng lại thay đổi hình thức kê khai cho phù hợp. Đối tượng trực tiếp kê khai tài sản hàng năm thu hẹp lại, tập trung vào những người dễ có điều kiện để tham nhũng.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thu gọn hơn, chuyên nghiệp hơn, và đảm bảo tính độc lập.

Đặc biệt, luật đã mở rộng việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập ngẫu nhiên, bất kể ai cũng có thể bị kiểm tra nên bắt buộc mọi người phải trung thực trong kê khai.

Về xử lý nếu kê khai không trung thực cũng nghiêm hơn, cụ thể như cán bộ trong quy hoạch sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch, người sắp được bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm.

Mặc dù luật chưa giải quyết được cặn kẽ vấn đề xử lý tài sản tăng thêm bất thường mà không giải trình được nguồn gốc, phải khẳng định chế định kiểm soát tài sản thu nhập có tiến bộ rất lớn. Chỉ cần thực hiện tốt điều đó, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tốt hơn rất nhiều.

- Công tác PCTN vừa qua rất quyết liệt, nhưng cũng không ít người lo ngại cuộc chiến này sẽ chùng xuống và không giữ được khí thế "lò nóng" như ban đầu. Ông có suy nghĩ như thế nào?

- Cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Đảng, của người đứng đầu. Khi chống tham nhũng càng ngày càng được đẩy mạnh thì ý thức của cán bộ, công chức ngày càng cao. Khi thấy xử phạt nghiêm minh, đương nhiên tham nhũng sẽ giảm đi. Như vậy, lo ngại cuộc chiến chống tham nhũng chùng xuống là không có cơ sở.

Hơn nữa, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đang phát huy vai trò rất tích cực.

Trước đây, Ban chỉ đạo là cơ quan Nhà nước do Thủ tướng làm trưởng ban. Nhưng sau này khi sửa luật, ta thấy cần nâng cao hơn nữa vị thế và tính độc lập của cơ quan này, để cơ quan này có đủ thẩm quyền, không chỉ thẩm quyền về mặt Nhà nước mà còn thẩm quyền trong Đảng, để phòng, chống tham nhũng.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được chuyển về trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm trưởng ban. Như vậy vừa đảm bảo về thẩm quyền, vừa đảm bảo về tính độc lập.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn, thậm chí có chức vụ quyền hạn rất cao, đều bị xử lý. Như vậy để thấy xử lý tham nhũng đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong PCTN.

Hoài Thu thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chong-tham-nhung-cang-duoc-day-manh-can-bo-y-thuc-cang-cao-post1162341.html