Chống tham nhũng qua phát ngôn mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đã có những phát ngôn thể hiện quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sáng 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết công cuộc chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đấu tranh là để làm tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng các tỉnh "phải đẩy mạnh hơn nữa việc này, nếu không sẽ mất uy tín".
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11/10, Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI sáng 11/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đoàn phải coi trọng giáo dục bằng hành động, qua thực tiễn phong trào, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với lứa tuổi thanh niên. Đặc biệt, Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị".
Lần đầu tiên dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, ngày 28/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn". Tổng Bí thư cũng lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Phát biểu khi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 (TPHCM) vào chiều 13/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tham nhũng lớn thì đe dọa đến tồn vong của chế độ; tham nhũng vặt làm gây bức xúc, khó chịu cho người dân. Vì vậy, tất cả các hành vi tham nhũng bất kể lớn nhỏ phải bị đấu tranh để loại trừ.“Trước đây, chúng ta nói chưa xử lý được cán bộ có chức vụ cao có hành vi tham nhũng nhưng vừa qua Trung ương đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm. Điều này thể hiện sự kiên quyết, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh điều này khi tiếp xúc cử tri TP.HCM sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã đạt một số kết quả bước đầu, tích cực, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra còn chưa đạt được mong muốn. Chủ tịch nước chỉ rõ, đấu tranh chống tham nhũng phải làm kiên quyết không loại trừ bất kỳ ai; phải ưu tiên thu hồi tài sản đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt chứ mới xử lý bỏ tù thì thắng lợi không trọn vẹn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra lời nhắc nhở tại Hội nghị đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Tài chính vào ngày 6/1/2017. Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm. “Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”.
Cũng tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, một năm sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng,Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng, không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật kỷ cương. Hơn thế, phải chủ động trong hoàn thiện thể chế chứ không thụ động chỉ điều hành theo những gì có sẵn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ điều này khi kết thúc hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5. Thủ tướng cho biết, các cơ quan tham mưu đã xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều cùng ngày, vào sổ công văn số 20 và được công bố sau đó.
Phát biểu khi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ ngày 6/12, liên quan đến các dự án BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “BOT là một chủ trương đúng, huy động các nguồn lực xã hội giữa bối cảnh ngoài ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Quốc hội đã yêu cầu Bộ GTVT tổng rà soát các quy hoạch về BOT, phải có giải pháp xử lý vướng mắc hiệu quả. Chủ đầu tư bỏ tiền vào đây, nhưng thu phí phải hợp lý, công khai, minh bạch cho dân biết. Có như vậy, nhân dân mới đồng thuận”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy khi bày tỏ ủng hộ bổ sung quy định liên quan tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu trong dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Nhấn mạnh “mình phải có trách nhiệm với dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chủ trương và thực tế đã xử lý cán bộ về hưu, “phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi”.
Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, điểm được ghi nhận trong năm 2017 là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 khóa XII. “Chúng ta làm tạo niềm tin cho nhân dân, cũng làm cho tất cả các hoạt động trong xã hội dần đi vào nền nếp, cảnh tỉnh, phòng ngừa, cảnh báo, tạo môi trường trong sản xuất, xã hội tốt hơn” – ông Trần Quốc Vượng nói./.