Chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm

Những ngày qua, nhân dân cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng đồng phạm liên quan đến các hành vi sai phạm trong vụ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Trước đó, cuối tháng 7, vụ án “chuyến bay giải cứu” cũng kết thúc ở giai đoạn xét xử sơ thẩm với việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt những mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo là cựu quan chức đã trục lợi trong quá trình được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó ở các cương vị công tác khác nhau.

Ở thời điểm trước thềm kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), việc nhiều quan chức cao cấp tha hóa bị đưa ra xử lý hoặc đề nghị xử lý, cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang được Đảng và Nhà nước tiến hành một cách quyết liệt, bền bỉ, “không có vùng cấm” như chủ trương của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận 21-KL/TW khóa XIII với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, cùng nhiều quy định khác của Trung ương Đảng để loại bỏ dần các phần tử suy thoái, biến chất, tham nhũng, quan liêu… ra khỏi Đảng và tiếp tục kết nạp những thành phần ưu tú vào Đảng.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang tiến hành quyết liệt, bền bỉ, "không có vùng cấm" (Ảnh: Phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu").

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang tiến hành quyết liệt, bền bỉ, "không có vùng cấm" (Ảnh: Phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu").

Cách đây 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa và tiếp đó là Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, trước khi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng.

Trong quan điểm phổ quát về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thì văn hóa là chìa khóa, động lực của sự phát triển. Theo đó, là một nền văn hóa đích thực, đòi hỏi phải thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, khoa học, hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ là phục vụ quần chúng, vì quyền lợi và gắn bó mật thiết với nhân dân, tóm lại là vì hạnh phúc và lợi ích của nhân dân.

Từ cốt lõi của định hướng trong việc xây dựng nền văn hóa, các định hướng về việc xây dựng văn hóa nhân cách, văn hóa của con người nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng cũng được xác định để làm là mấu chốt cho việc xây dựng văn hóa, mà quan trọng nhất là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, biết hy sinh, làm lợi cho quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Cho nên, cán bộ chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Người viết: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Người coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn giũa, giống như “ngọc càng mài càng sáng”, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt thường ngày.

78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã vận hành theo nguyên tắc “Của dân, Do dân và Vì dân”. Vị thế của Nhà nước Việt Nam đã được khẳng định vững chắc trên trường quốc tế.

Đó là thực tiễn không thể bác bỏ.

Lênin từng cảnh báo: "Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất, có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ".

Làm công dân của một đất nước yêu chuộng hòa bình, có truyền thống tự lực tự cường - đó là điều mà tất cả công dân Việt Nam, sinh sống ở trong nước hay nước ngoài, đều có quyền tự hào và bày tỏ sự trân quí. Cán bộ, đảng viên càng phải thể hiện điều này bằng những hành động thiết thực để nêu cao văn hóa về sự gương mẫu rèn luyện, tận tâm vì nước vì dân, vì sự lớn mạnh của dân tộc, nhằm lôi cuốn quần chúng nhân dân vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng lưu ý cán bộ, đảng viên phải tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, hay “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chong-tham-nhung-tieu-cuc-khong-co-vung-cam-i704912/