Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (bài cuối)

TIN LIÊN QUAN

Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (Bài 1)
Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (bài 2)

Bài cuối: Siết chặt quản lý thuế trong hoạt động vận tải

Với hoạt động kinh doanh đặc thù, các phương tiện di chuyển trong và ngoài tỉnh, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là vấn đề nhức nhối đặt ra tại tỉnh Lâm Đồng. Để đưa việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đi vào quy củ, tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, với nhiều giải pháp thực thi quyết liệt.

Cần siết chặt quản lý thuế ở hoạt động vận tải bằng ô tô

Cần siết chặt quản lý thuế ở hoạt động vận tải bằng ô tô

KHÓ KIỂM SOÁT

Theo thống kê của ngành thuế, tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh đã quản lý 1.473 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, tổng số xe hoạt động kinh doanh vận tải là 4.058 xe, với 2.486 xe vận tải hành khách và 1.572 xe vận tải hàng hóa. Tổng số xe đã kê khai nộp thuế là 3.319 xe, vẫn còn 739 xe chưa khai nộp thuế. Tổng số thuế lập bộ từ năm 2018 đến tháng 12/2020 đối với lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên toàn tỉnh là hơn 194 tỷ đồng. Tình trạng các chủ xe trốn thuế còn xảy ra tại các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lộc, Bảo Lâm…

Những hạn chế đã được UBND tỉnh chỉ rõ, việc thất thu thuế xảy ra chủ yếu do các nguyên nhân như: Chủ phương tiện hoạt động vận tải tại Lâm Đồng nhưng đến các địa phương khác xin cấp phù hiệu, “núp bóng” các hợp tác xã (HTX) vận tải các tỉnh, thành phố khác để xin cấp phù hiệu dẫn đến không nộp thuế cả nơi cấp phù hiệu và nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện tại Lâm Đồng. Tiếp đó, chủ xe có xe kinh doanh vận tải nhưng hoạt động dưới dạng xe phục vụ gia đình, phục vụ kinh doanh ngành nghề khác; một số doanh nghiệp, HTX thì lại không xuất hóa đơn đầy đủ, chưa đúng với doanh thu thực tế phát sinh. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế đối với các chủ phương tiện đang kinh doanh còn kéo dài. Công tác quản lý thu thuế, quản lý phương tiện cũng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, thực hiện các biện pháp cưỡng chế chưa đạt yêu cầu.

Cục Thuế Lâm Đồng cũng cho biết, hiện nay còn xảy ra tình trạng thất thu thuế đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô. Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và các sở, ban, ngành trong việc quản lý số lượng tổ chức, chứng nhận kinh doanh vận tải và phương tiện vận tải chưa chặt chẽ. Về công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay chưa được thực hiện theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, nghị định chưa có chế tài xử lý đối với xe cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô khi vi phạm pháp luật thuế hoặc vi phạm pháp luật khác có liên quan. Theo quy định, các thành viên của HTX thực hiện ủy quyền cho HTX khai thuế và nộp thuế thay cho phương pháp khoán hoặc trực tiếp khai và nộp thuế tại cơ quan thuế. Mặt khác, không ít chủ phương tiện thường xuyên mua bán, chuyển nhượng xe ô tô nhưng lại không làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định, gây khó khăn cho việc thu thuế.

Đề án được ban hành với mục tiêu đề cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đầy đủ, đảm bảo sự công bằng trong hoạt động vận tải. Đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần tăng thu NSNN phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện ngành Thuế tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan như Giao thông vận tải (GTVT), Công an, Kế hoạch - Đầu tư và Trung tâm đăng kiểm tỉnh thực hiện một số giải pháp đồng bộ như rà soát các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải để quản lý chặt chẽ số lượng người nộp thuế; giao cho các Chi cục Thuế huyện, thành phố làm việc cụ thể với từng chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh để tránh thất thoát số lượng cơ sở kinh doanh vận tải; định kỳ cập nhật số lượng phương tiện đăng ký phục vụ việc quản lý kinh doanh bằng ô tô; kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách không có lệnh điều xe, hóa đơn, khối lượng hàng hóa và số khách…

Trong thời gian tới, ngành Thuế cũng sẽ ráo riết triển khai các kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện, thành phố và các Chi cục Thuế trong thực hiện quản lý thuế ở lĩnh vực này. Cục Thuế tiếp tục có các biện pháp kiên quyết, trường hợp chủ phương tiện khai báo không kinh doanh vận tải, hoặc đã bán xe, không cư trú tại địa phương… kể cả thông báo mời nhiều lần nhưng chủ phương tiện không đến kê khai nộp thuế theo quy định, Chi cục Thuế lập hồ sơ đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố thu hồi giấy đăng ký kinh doanh vận tải. Khi có quyết định thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, gửi về Cục Thuế để đề nghị Sở GTVT phối hợp thực hiện thu hồi phù hiệu xe đã cấp (kể cả trường hợp chuyển đến đăng ký ở tỉnh khác).

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao rõ nhiệm vụ, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: Cục Thuế, Sở GTVT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong việc rà soát, yêu cầu chủ phương tiện đăng ký, kê khai thuế. Cục Thuế phải phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trước ngày 15 của tháng đầu quý, ngành Thuế cung cấp danh sách chủ phương tiện vi phạm pháp luật thuế cho Sở GTVT, Trung tâm đăng kiểm, UBND các huyện, thành phố để đề nghị cưỡng chế thuế.

Đề án được triển khai sẽ tăng cường công tác chống thất thu thuế, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc phối hợp với cơ quan thuế để công tác chống thất thu đạt kết quả cao nhất; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế trong Nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã từng nhấn mạnh rằng: Vi phạm về thuế không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn gây mất trật tự xã hội, mất đi sự công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thuế. Nhưng vì nguồn lợi lớn, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn bất chấp, có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Những vi phạm về thuế không chỉ xuất phát từ việc bất tuân pháp luật của một số tập thể, cá nhân, mà còn bởi thiếu sâu sát, nghiêm khắc trong quản lý, xử lý vi phạm về thuế. Thậm chí có một số cá nhân trong ngành Thuế còn tiếp tay cho hành vi trốn thuế, gian lận về thuế, trong số đó có những cán bộ đã bị pháp luật xử lý. Để lập lại trật tự, đảm bảo công bằng trong một lĩnh vực hết sức phức tạp, tăng thu cho NSNN, ngành Thuế không chỉ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, mà còn phải tăng cường phối hợp, huy động sức mạnh cùng vào cuộc, để pháp luật về thuế được thực thi nghiêm túc hơn.

Để công tác chống thất thu đạt kết quả, ngoài các giải pháp chuyên môn, ngành Thuế cần không ngừng quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có tâm, có tầm. Dù biết là việc chống thất thu thuế rất phức tạp và gian nan, nhiều giải pháp khắc phục đã được ngành Thuế và các cơ quan chức năng đặt ra nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, vẫn còn nhiều thách thức.

Việc UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành 3 đề án chống thất thu thuế trong các lĩnh vực trọng điểm - ngay khi các vấn đề này đang “nóng” khắp cả nước, đã và đang tạo được dấu ấn rõ nét, không chỉ thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt, kịp thời, đảm bảo “thu đúng, thu đủ” mà cũng chính từ đây, môi trường công bằng, lành mạnh, nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước đang mở lối cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế Lâm Đồng trong tương lai.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/chong-that-thu-thue-tren-cac-linh-vuc-trong-diem-bai-cuoi-3083280/