Chống thất thu thuế trong giao dịch về đất đai

Chính sách thuế sử dụng đất và tiền thuê đất tạo hai nguồn thu bền vững nhất của Nhà nước nếu các khoản thu này được thực hiện đúng, kê khai trung thực. Nhưng trên thực tế đã phát sinh, tồn tại tình trạng kê khai không đúng giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến kê khai nộp thuế, lệ phí trước bạ chưa đúng giá trị thực tế để giảm số thuế phải nộp. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Chính sách thuế sử dụng đất và tiền thuê đất tạo hai nguồn thu bền vững nhất của Nhà nước nếu các khoản thu này được thực hiện đúng, kê khai trung thực. Nhưng trên thực tế đã phát sinh, tồn tại tình trạng kê khai không đúng giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến kê khai nộp thuế, lệ phí trước bạ chưa đúng giá trị thực tế để giảm số thuế phải nộp. Để chống thất thu thuế, góp phần hoàn thành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, ngay từ đầu năm thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý thuế đối với các giao dịch về đất đai (GDĐĐ). Theo đó, cơ quan thuế các cấp và các ngành liên quan đã vào cuộc phối hợp chống thất thu thuế trong GDĐĐ.

Một góc Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định).

Cụ thể, tồn tại tình trạng người mua bán kê khai giá giao dịch trên hợp đồng thấp hơn bảng giá UBND tỉnh quy định hay có trường hợp bằng, hoặc cao hơn bảng giá nhưng vẫn không đúng với giá giao dịch thực tế trên thị trường (bảng giá quá cũ); không kê khai phần tài sản nhà cửa và các công trình xây dựng còn giá trị trên đất... Điều này gây thất thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, tạo bất bình đẳng với những người chấp hành đúng pháp luật về thuế. Theo Cục Thuế tỉnh: Nguyên nhân khiến tình trạng thất thu thuế trong các GDĐĐ vẫn tồn tại trong nhiều năm bởi nhiều kẽ hở, bất cập của chính sách pháp luật về lĩnh vực này. Bởi, giá đất Nhà nước quy định chung nên thường tính cho giai đoạn 5 năm (tại tỉnh ta hiện đang áp dụng theo quy định bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND), chưa sát theo diễn biến thị trường từng năm, thấp hơn so với giá thị trường; thậm chí thấp hơn nhiều. Mặt khác, giá giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn phụ thuộc các yếu tố khả năng sinh lợi của từng khu vực, vị trí đất, căn cứ vào sự biến động, thay đổi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm… dẫn đến phát sinh sự chênh lệch về giá đất trong giao dịch thực tế với giá Nhà nước quy định. Theo ý kiến của các đồng chí lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tại hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2021 đợt tháng 3-2022: giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh quy định thời kỳ 2020-2024 chênh lệch lớn so với giá thực tế doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện dự án. Sự chênh lệch cao về giá giao dịch thực tế với giá Nhà nước quy định không chỉ tạo kẽ hở dẫn đến thất thu thuế trong các GDĐĐ mà còn gây nhiều khó khăn trong công tác vận động thu hồi đất phục vụ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất. Với quy định này, chỉ cần giá giao dịch ghi trong hợp đồng bằng hoặc trên một chút mức giá Nhà nước quy định là không vi phạm. Chính vì lẽ đó, các bên GDĐĐ thường thỏa thuận để ghi trên hợp đồng thấp hơn để giảm số thuế phải nộp.

Thực trạng này đã được các cơ quan chức năng nắm rõ và từng bước điều chỉnh, có giải pháp, chế tài khắc phục. Mới đây, các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản. Cục Thuế tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo các quy định của pháp luật về thuế, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng đất đai để người dân hiểu rõ lợi ích của việc kê khai trung thực, chính xác giá trị thực tế của GDĐĐ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Ngành Thuế cũng đề nghị các ngành, các địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin cho Chi cục Thuế để quản lý thuế chặt chẽ đối với các GDĐĐ của người dân và doanh nghiệp.

Trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ GDĐĐ, cán bộ ngành Thuế sẽ kiểm tra các thông tin người nộp thuế kê khai trên hồ sơ và thực tế tại thực địa để đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế và yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung (nếu có). Các nhân sự phụ trách giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện khai giá trên hợp đồng chuyển nhượng theo đúng giá thực tế mua bán; kiểm soát, yêu cầu khai đầy đủ tài sản còn giá trị trên đất là nhà ở, các công trình xây dựng khác đúng hiện trạng đang sử dụng ngay khi làm thủ tục công chứng, chứng thực chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với các trường hợp đã có cơ sở xác định giá như trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất cụ thể khi giao đất tái định cư hoặc thửa đất liền kề, cùng khu với thửa đất đã đấu giá, giao đất tái định cư, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn, các Văn phòng Công chứng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng kê khai trên hợp đồng chuyển nhượng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Đối với các trường hợp người nộp thuế cố tình khai sai, có dấu hiệu vi quy định phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý đối với hành vi trốn thuế trong GDĐĐ theo hướng ngoài việc truy thu đủ số tiền trốn thuế còn bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Với các giải pháp kể trên, cho thấy ngành Thuế và các ngành chức năng đang nỗ lực siết chặt quản lý, xử lý khắc phục tình trạng trốn thuế trong GDĐĐ. Do vậy, khi tiến hành các GDĐĐ, người bán và người mua cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng trên hợp đồng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ quyền lợi của bản thân, góp phần, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, thiết lập sự minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202206/chong-that-thu-thue-trong-giao-dich-ve-dat-dai-2551204/