Chống thất thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những khó khăn đòi hỏi ngành Thuế thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT.
Tăng số thu từ kinh doanh trên mạng
TMĐT là mô hình kinh doanh cho phép các tổ chức, cá nhân mua hàng, bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet, hình thức này đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức mua sắm truyền thống. Sự phát triển của TMĐT đang trở thành xu hướng phổ biến và có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng người tiêu dùng, góp phần hình thành mô hình kinh tế chia sẻ. Thị trường TMĐT ngày càng phát triển, đa dạng mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia cho thấy dư địa rất lớn để thu thuế đối với loại hình này. Chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và TMĐT. Thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo quy định của các Luật Thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN.
Nguồn thu thuế TMĐT chủ yếu từ các loại giao dịch gồm: Thu nhập từ viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube…; các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử; bán hàng qua mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT. Căn cứ các giao dịch, 6 tháng đầu năm nay, ngành Thuế tỉnh đã quản lý thu thuế đối với 186 cá nhân kinh doanh TMĐT, số tiền thuế thu được hơn 8,7 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả trên là do thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ngành Thuế tỉnh vào cuộc quyết liệt nên các phòng, các chi cục thuế khu vực đã triển khai quản lý và tích cực thu thuế TMĐT.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến người nộp thuế, các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sàn giao dịch điện tử thuộc địa bàn quản lý, hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, các ngân hàng thương mại... để trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trên địa bàn để hướng dẫn sàn cung cấp đầy đủ thông tin. Qua vận động, tuyên truyền, tại huyện Hiệp Hòa có cá nhân tự nguyện kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tỷ đồng từ kinh doanh xuyên biên giới trên nền tảng mạng xã hội.
Phát triển thị trường, tăng cường quản lý
Đánh giá của cơ quan chuyên môn, số thuế thu từ hoạt động TMĐT còn rất khiêm tốn so với thực tế. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh, hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng hình thức giao hàng, thu tiền hộ (ship COD), chuyển phát nhanh, sử dụng phương tiện giao thông vận tải đường dài để chia nhỏ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh hành vi trốn thuế và ngăn chặn hàng giả.
6 tháng đầu năm nay, ngành Thuế tỉnh đã quản lý thu thuế đối với 186 cá nhân kinh doanh TMĐT, số tiền thuế thu được hơn 8,7 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Cục Thuế tỉnh, chủ thể kinh doanh TMĐT không cần cửa hàng, cửa hiệu như cách truyền thống mà thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ đặt tại nước ngoài hay trong nước; một người có thể có nhiều gian hàng trên một sàn hoặc những sàn TMĐT khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh, đối tượng thu thuế. Do vậy, cơ quan thuế chưa quản lý đầy đủ các đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT.
Cùng đó, một số nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng số, nhiều DN, cá nhân kinh doanh TMĐT có hành vi gian lận thuế, không đăng ký kinh doanh, không đăng ký nộp thuế; không kê khai hoặc kê khai thấp hơn giá trị giao dịch thực để trốn thuế. Để có đủ cơ sở đưa các đối tượng kinh doanh TMĐT vào diện quản lý thuế thì cơ quan thuế phải có đầy đủ thông tin xác thực về tên, địa chỉ, căn cước, mã số thuế… Tuy vậy, dữ liệu dân cư kết nối với cơ quan thuế còn chưa đồng bộ dẫn đến việc xác định địa chỉ kinh doanh, địa chỉ nơi cư trú của tổ chức, cá nhân kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Thậm chí có trường hợp xác định được nhưng cá nhân lại từ chối không hợp tác với cơ quan thuế và cho rằng bị lợi dụng thông tin cá nhân để đăng bài bán hàng trên mạng.
Xác định kinh doanh TMĐT, nền tảng số là xu thế tất yếu, để chống thất thu thuế, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số bảo đảm quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế trên các kênh thông tin để người nộp thuế nâng cao hiểu biết, tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động livestream bán hàng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần thiết, Cục Thuế kịp thời tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh văn bản chỉ đạo để hoạt động quản lý nhà nước về thuế nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số nói riêng đạt hiệu quả tốt, bảo đảm tính minh bạch, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển thị trường TMĐT, vừa nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ”.
Một số ý kiến cho rằng, để minh bạch thị trường TMĐT, ngành Thuế tỉnh cần tiếp tục phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế với cơ quan thuế các tỉnh; đặc biệt là có giải pháp kết nối dữ liệu thanh toán qua ngân hàng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, trên cơ sở đó đối chiếu một cách nhanh chóng, phát hiện và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh kê khai nộp thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hóa đơn điện tử, bảo đảm việc kê khai, nộp thuế đúng quy định.