Chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số

Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh.

Bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về bản quyền, nhất là trong môi trường đang là thách thức lớn.

Bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về bản quyền, nhất là trong môi trường đang là thách thức lớn.

Sáng 17/6 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam (đại diện là Cục Bản quyền tác giả) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số.

Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cùng 70 chuyên gia đến từ quốc tế và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về bản quyền, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời.

Hội nghị Quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 21/6 tại Hà Nội.

Hội nghị Quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 21/6 tại Hà Nội.

Việt Nam hiện đang triển khai nghiên cứu về việc gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về bảo hộ cuộc biểu diễn nghe nhìn và tích cực tham gia các phiên thảo luận của Ủy ban thường trực về bản quyền của WIPO (SCCR) để đóng góp vào các Dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về bản quyền trong khuôn khổ các Chương trình nghị sự của WIPO.

Đây cũng là những hành động cụ thể, góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về bản quyền tại Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện...

Để tận dụng hiệu quả những cơ hội có được từ việc gia nhập các điều ước quốc tế về bản quyền cũng như đáp ứng nhu cầu nội tại trong nước, Việt Nam phải từng bước nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền, nhất là trên môi trường số.

Trong khuôn khổ tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi Bản quyền, một số hoạt động bên lề Hội nghị được tổ chức nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các khách mời quốc tế tham dự có thời gian trao đổi, tăng cường gắn kết giữa các quốc gia.

Hội nghị là cơ hội để cập nhật thêm tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực; chia sẻ các xu hướng về xây dựng chính sách, các giải pháp về công nghệ để đối phó với những xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai những chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chong-xam-pham-quyen-tac-gia-tren-moi-truong-so-post687900.html