'Chốt' Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm, từ ngày 1/8/2024

Việc sửa luật nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội…

Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, với 404/469 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 83,13% tổng số Đại biểu Quốc hội.

Các luật trên chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

 Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về điều kiện bảo đảm thi hành luật, có ý kiến đề nghị quy định một điều cho phép các đối tượng có quyền lựa chọn thời điểm có hiệu lực của các luật. Ý kiến khác cho rằng nếu cho lựa chọn thời điểm có hiệu lực thì sẽ dẫn đến việc áp dụng không đồng bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc cho phép đối tượng lựa chọn thời điểm có hiệu lực sẽ không bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về chính sách của Nhà nước đối với thời điểm thực hiện các nội dung chuyển tiếp; không bảo đảm hiệu lực về không gian được quy định tại Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể dẫn tới việc tùy tiện trong áp dụng các quy định của luật theo các thời điểm hiệu lực khác nhau, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về lựa chọn thời điểm để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương; khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của bộ, ngành trong khi các văn bản này chưa được ban hành, đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp luật được thông qua, thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các Đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án luật, Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tại Phụ lục số 01.

 Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, theo Báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ bảy thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024 khi luật này được Quốc hội thông qua; chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bảo đảm hiệu lực, hiệu quả...

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chot-luat-dat-dai-luat-nha-o-co-hieu-luc-som-tu-ngay-1-8-2024-post301703.html