Chốt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Nghị quyết của Quốc hội dành một điều riêng quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 19-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Công tác thanh tra được thực hiện như thế nào?

Đáng chú ý, Nghị quyết dành một điều riêng quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thanh tra. Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước theo quy định.

 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Đối với bộ, cơ quan ngang bộ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn thanh tra hoặc đề nghị Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra.

Riêng cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra theo quy định.

“Trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước xem xét, ban hành kết luận thanh tra” - Nghị quyết nêu rõ.

Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì người đứng đầu giao đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc thực hiện chức năng thanh tra do hiện nay chưa xác định được phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra

Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về việc ban hành và xử lý kết luận thanh tra đối với trường hợp đối tượng thanh tra là cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động. Ý kiến này đề nghị chỉnh lý quy định dự thảo theo hướng đối với trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành thì cần xem xét, kiện toàn lại đoàn thanh tra cho phù hợp với bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cơ quan này đã cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát và chỉnh lý quy định trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, để bảo đảm bao quát, phù hợp với phương án tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Một số vấn đề cụ thể như việc ban hành kết luận thanh tra, kiện toàn đoàn thanh tra sẽ được các cơ quan hướng dẫn cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án, Nghị quyết vừa được ban hành quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định.

Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đã thực hiện một hoặc một số nội dung của các hoạt động này trong các vụ án, vụ việc cụ thể trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không thực hiện lại các nội dung này sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục để giải quyết vụ án, vụ việc đó theo quy định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chot-viec-thuc-hien-chuc-nang-nhiem-vu-thanh-tra-sau-sap-xep-tinh-gon-bo-may-post834978.html