Christine Lagarde - Người phụ nữ đầu tiên trên 'ghế nóng' của ECB
'Trong suốt sự nghiệp của mình, Lagarde là người tổng hợp, người điều tiết và là trọng tài viên như cách bà hành động trong cộng đồng quốc tế, và đó là cách mà tôi thấy bà sẽ lãnh đạo ECB', Nathan Sheets - một cựu thứ trưởng phụ trách vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ nói.
Chỉ còn ít giờ nữa là bà Christine Lagarde sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thay cho ông Mario Draghi. Ở độ tuổi 63, nữ Chủ tịch đầu tiên của ECB đang đối mặt với hai khó khăn lớn: Sự rạn nứt giữa các nhà hoạch định chính sách của ECB về chương trình kích thích tiền tệ mới nhất mà ông Draghi đã khởi xướng trong những tuần cuối cùng trên cương vị lãnh đạo ECB của mình; nỗ lực hồi sinh nền kinh tế khu vực đồng tiền chung của ECB đang bị phá hoại bởi sự thắt chặt chi tiêu của chính phủ các quốc gia thành viên.
Đã từng là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Pháp cũng như người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện bà sẽ giám sát đồng tiền lớn thứ hai thế giới trong một nền kinh tế khu vực vô cùng đa dạng, việc 19 quốc gia thành viên có chung một chính sách tiền tệ đôi khi có vẻ không phù hợp. Mặc dù các thành viên của Hội đồng Thống đốc - những người quyết định về chính sách tiền tệ - tham dự với tư cách là người châu Âu chứ không phải là đại diện của đất nước họ, nhưng có gì đảm bảo là họ không có quan điểm bắt nguồn từ lịch sử văn hóa của đất nước mình.
Trong khi với tất cả những gì Draghi đã làm để bảo vệ đồng euro, ông cũng đã để lại những hậu quả. Hàng nghìn tỷ euro kích thích đã không thể nâng lạm phát, trong khi lại khơi lên sự bất đồng quan điểm chưa từng có trong các quan chức của ECB, từ chính sách lãi suất âm cho đến chương trình mua trái phiếu, thậm chí không ít người còn mất niềm tin vào chính sách nới lỏng.
Theo đó các thống đốc từ các nền kinh tế bảo thủ về kinh tế như Đức, Hà Lan và Áo đã lên tiếng phản đối gói kích thích Draghi; trong khi các quốc gia Nam Âu lại ủng hộ nó. Mario Draghi - Chủ tịch ECB sắp mãn nhiệm góp phần tạo nên sự chia rẽ này. Cam kết của ông vào năm 2012 là sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng euro, chương trình nới lỏng định lượng vào năm 2015 và một nỗ lực nới lỏng cuối cùng vào tháng 9 đều là những sáng kiến độc lập gây khó chịu cho một số đồng nghiệp của ông.
Khó khăn càng thêm lớn khi mà tại các cuộc họp của Hội đồng Thống đốc, Lagarde cũng chỉ là một trong 25 nhà hoạch định chính sách, mỗi người có quyền bỏ phiếu như nhau nếu không đạt được sự đồng thuận, trong khi hầu hết đều có kinh nghiệm chính sách tiền tệ sâu sắc hơn nhiều so với bà.
Bà là người đứng đầu ECB đầu tiên không được đào tạo như một nhà kinh tế cũng như không có kinh nghiệm về ngân hàng trung ương. Không giống như Draghi - người đã có bằng tiến sĩ kinh tế từ Học viện Công nghệ Massachusetts và từng điều hành Ngân hàng Trung ương Ý, Lagarde không có khả năng đào sâu vào cơ chế tiền tệ và lý thuyết kinh tế học.
Tuy nhiên đối với thử thách này, Lagarde có những kỹ năng khác biệt so với những người tiền nhiệm. Bloomberg dẫn lời các nguồn tin xin được giấu tên cho biết, có lẽ bà sẽ dựa nhiều vào sự tư vấn của các chuyên gia ECB, còn mình thì đưa ra các giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề.
“Trong suốt sự nghiệp của mình, Lagarde là người tổng hợp, người điều tiết và là trọng tài viên như cách bà hành động trong cộng đồng quốc tế, và đó là cách mà tôi thấy bà sẽ lãnh đạo ECB”, Nathan Sheets - một cựu thứ trưởng phụ trách vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ nói. “Cũng như những thành tích trong quá khứ, bà ấy sẽ giúp tổ chức này tỏa sáng”.
Kỹ năng đàm phán của bà thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp, khi IMF dưới sự lãnh đạo của Lagarde cùng với Liên minh châu Âu và ECB hình thành nên cái gọi là “cỗ xe tam mã” đã thiết lập và và thực thi các điều khoản cứu trợ cho Athens. Lagarde cũng là một người rất kỷ luật, Mark Sobel - đại diện của Mỹ tại IMF trong giai đoạn 2015-2018 nói.
Lagarde cũng nói với đài truyền hình Bloomberg vào tháng trước rằng, bà sẽ “bắt đầu với tinh thần làm việc nhóm” trên cương vị mới của mình, cho phép những bất đồng, nhưng một khi quyết định được đưa ra thì phải cùng nhau tiến lên.
Tính kỷ luật và sự khéo léo chính trị đó có thể rất quan trọng trong việc thuyết phục các chính phủ thành viên làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro. Bởi đó là một hành động đòi hỏi sự cân bằng khéo léo. Trên cương vị Tổng giám đốc IMF bà có thể tư vấn trực tiếp và công khai cho các quốc gia thành viên, ví dụ như thúc giục Đức tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình trong năm nay. Thế nhưng với tư cách là Chủ tịch ECB, bà phải cẩn thận khi bước vào lĩnh vực chính sách mà các chính phủ rất nhạy cảm. Trước đó, cả Draghi và người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet liên tục kêu gọi các chính trị gia đưa ra các cải cách cơ cấu và hỗ trợ tài chính, nhưng không có kết quả.
Lagarde cũng quan tâm đến các vấn đề như bất bình đẳng và tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, có liên quan đến ECB. Tuy nhiên, chúng nằm ngoài mục tiêu hạn hẹp của ECB đó là ổn định giá cả. Mặc dù vậy, một vấn đề mà Lagarde có thể đẩy mạnh tại ECB là bình đẳng giới. Còn nhớ trong thời kỳ lãnh đạo IMF bà cũng đã bổ nhiệm nhà kinh tế trưởng nữ đầu tiên của mình, Gita Gopinath, vào năm 2018.