Chú bé Kiểm

Sâm sẩm tối Tư mới thủng thẳng đạp xe về tới nhà.Hè này, 3 đứa con về quê ở với bà nội, Tư trở nên rỗi rãi. Chậm chạp đẩy xe lên gác, Tư mở cửa đưa xe vào bếp, ló ra định chào khách thì nhận ra khách chỉ là một chú bé trạc mười ba, mười bốn tuổi.

- Cháu ăn đi.

Tiếng vợ Tư ân cần với chú khách nhỏ.

- Ăn đi, rồi bác xới tiếp nữa cho.

- Vâng, bác cho thì cháu ăn.

Chú bé đáp thật thà: Cháu ăn khỏe lắm. Hồi trước, mỗi bữa cháu ăn bảy bát cơ.

- Nói trạng! Hồi trước là hồi nào?

- Hồi trước là hồi má còn ở với ba cháu ấy. Má cháu tốt lắm, bác ạ. Không phải “mẹ hát con khen hay” đâu. Hàng xóm cũng phải công nhận má cháu là người ăn ở có đức độ, biết điều. Ai có khó khăn gì mà giúp được là má cháu không bao giờ từ chối. Tính má cháu thương người lắm.

Một lần nữa, Tư lại nhìn ra buồng ngoài. Thằng bé con ai, nhà ở đâu mà ăn nói già dặn thế? Vợ Tư đón bát, xới cơm đầy ụ cho nó. Nó đưa cả hai tay cung kính đón nhận, miệng nhỏ nhẻ: “Cháu cảm ơn bác” nghe rất thương, rồi và miếng cơm rất gọn, rất ý tứ.

- Ăn trứng rán đi cháu.

- Cháu không thích ăn trứng. Cháu ăn cà thôi. Vừa rồi, cháu về thăm má ở quê. Cháu gặp dì Tân, em ruột má cháu. Dì ấy làm việc trong công ty xây dựng ở thành phố. Dì thương cháu lắm, bảo cháu hay là lên ở với dì. Nhưng cháu đi sao được. Còn hai đứa em cháu. Bác ạ, má cháu muối cà xổi ngon lắm. Ướp cả tỏi, cả riềng nữa. Nhưng má không cho cháu ăn thả cửa đâu. Má bảo cà độc. Còn bây giờ thì... lắm hôm cà cũng chẳng có mà ăn.

Vợ Tư chép miệng:

- Bây giờ hoàn cảnh khó khăn quá. Năm, sáu ngàn có hôm chỉ mua được dăm quả cà pháo. Ba cháu, dì cháu lại đông em. Cháu thông cảm.

Thằng bé nhoai cái cổ gầy, nuốt miếng cơm, mở mắt to:

- Cháu biết chớ. Cháu còn biết nhiều điều khác nữa cơ. Như ba cháu ấy, thật ra không phải là người độc ác, nhưng hay a dua, xu thời và hèn.

- Sao cháu lại nói thế?

Thằng bé cúi xuống, cảm thấy đã lỡ lời, liền chuyển sang chuyện khác:

- Cháu biết suy nghĩ mà, bác. Không nên đòi hỏi cái chi quá. Công bằng cũng phải dựa trên sự hợp lý. Đến bữa cơm, dì cháu chia thịt, trứng cho hai em. Cháu chỉ được một bát rau. Cháu thấy thế là phải. Vì hai em cháu, một đứa lên ba, một đứa lên sáu, chúng còn bé, chả lẽ cháu tướng, sĩ, tượng thế này lại ăn tranh phần của chúng.

Thằng bé cười nhạt, rồi tiếp:

- Nhưng cũng có những điều quá đáng, bác ạ. Hôm qua, ba cháu đi làm, đem về một hộp sữa. Ba pha cho cháu một ly. Phải đến năm, sáu năm nay cháu không biết sữa là gì. Nhưng, cháu chưa kịp cầm thì dì nhấc ngay ly sữa, hất toẹt ra sân.

- Chết!

- Cháu chẳng bịa đâu. Dì ấy càng ngày càng quá đáng, bác ạ. Dì ra hẹn với cháu, hôm nào không lấy đủ rau cho thỏ ăn thì sẽ cắt cơm cháu, cũng không cho ngủ trong nhà nữa. Có hôm cháu đói quá, ba mới lén đưa ra cho một bát cơm nguội. Thế mà dì ấy biết. Dì chạy ra, giằng bát cơm từ tay ba, đổ ngay xuống đất… Giờ thì cháu tự giác rồi, không được phép dì ấy là cháu không ăn. Bác ạ, hồi con dì ấy còn bé tí, cháu phải bế ẵm chúng, chẳng bao giờ dì cắt cơm cháu, nhưng cứ rít lên: “Mi mà làm ngã nó thì tao giết mi!”. Nghe mà cháu còn sợ đến bây giờ. Nhưng, chẳng bao giờ cháu làm ngã chúng cả. Cháu quý hai em cháu lắm. Chúng ốm đau luôn ấy. Vì chúng mà cháu phải đúp lớp sáu. Thành ra, bây giờ to bự thế này mới học lớp bảy, nghĩ lắm lúc cháu chẳng muốn đi học nữa.

Thằng bé dừng, rồi hạ giọng thủ thỉ:

- Bác ạ, cháu ấy mà, cháu không độc ác được đâu. Thấy người tàn tật, người xin ăn, người già, cháu thương lắm. Một bữa, cháu cho hai má con người đến xin ăn hai bát cơm, dì biết được đã đánh cháu một trận no đòn. Bữa rồi đi ra bến xe, thấy một bà cụ gánh gạo nặng quá, cháu liền gánh hộ. Tới bến, bà cho mười ngàn, cháu nhất định không lấy. Mình phải biết thương người chứ, bác nhỉ?

Bị câu chuyện của thằng bé cuốn hút, Tư bước ra buồng ngoài. Và bây giờ Tư mới nhìn được thật rõ cái chú bé tự coi mình là to bự, là tướng, sĩ, tượng. Thật ra, chú ta hơi còi cọc, vẻ còi cọc diễn đạt trung thành sự thiếu ăn. Khuôn mặt cậu hơi choắt, sạm nắng, nhưng vẻ lam lũ chỉ thoáng qua rồi bị lu mờ ngay vì khuôn mặt như đúng khung trong làn tóc đen mềm mại, với đôi mắt to, sáng ngời và hai cái tai lá mít tròn đều, đậm đà nỗi hồn hậu, thơ ngây. Chú ta là sự hòa trộn cân bằng giữa hai tính cách đối lập, vừa già dặn, khôn ngoan vì khốn khổ, tủi cực vừa lấp lánh tình yêu thương và niềm vui bất ngờ. Chú bé tên Kiểm. Vợ Tư quen Kiểm vì một hôm đang xách nước lên tầng thì chú ta sán đến đòi xách hộ.

***

Từ hôm ấy, Kiểm trở thành khách quen của vợ chồng Tư.

Chú bé hay đến nhà Tư vào buổi chiều. Có hôm nó ăn cơm cùng vợ chồng Tư, có hôm không, thường là không. Lại có hôm, chú bé ôm đến cho vợ chồng Tư một bó rau muống to, nói là tự trồng được, nhà ăn không hết. Nhiều hôm, nó lại ngồi buồn thiu, mặt có vết tím bầm, người bơ phờ mệt mỏi, nói không ra hơi. Thường nó hay tha thẩn chơi các đồ chơi của con Tư. Cũng nhiều hôm nó vừa kể chuyện vừa bóc lạc, sảy gạo, lau nhà với vợ Tư.

Bị vùi dập và dồn vào cảnh sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, nhưng nó vẫn tràn đầy lòng thương yêu. Nó đã bế ẵm, nâng niu, tắm giặt cho thằng Chí, cái Oanh, hai đứa con cùng cha khác mẹ từ lúc chúng đỏ hỏn. Tuy chúng nhiều khi là cái cớ để dì hành hạ nó, mặc dầu vậy nó vẫn rất quý, rất yêu chúng.

Bẵng đến nửa tháng không thấy Kiểm đến nhà. Tư hỏi thì vợ cho biết, mẹ kế đã bắt nó thôi học. Và nó vừa đến chào vợ chồng Tư để đi tìm việc làm rồi.

Câu chuyện của vợ chồng Tư vừa đến đấy thì bỗng nghe thấy huyên náo ở dưới sân. Nhìn xuống, Tư thấy một người đàn bà khổ người chảy xệ, đứng chạng chân, vắt hai tay lên mạng sườn, vừa the thé cất tiếng vừa giậm đôi guốc cao bảy phân rào rạo trên nền cát sỏi:

- Cha tiên sư thằng nào đặt điều vu khống cho tao nhé. Đứa nào xúi giục thằng Kiểm nhớ. Cái đứa vu oan giá họa, trời không dung, đất không tha mi. Bà nuôi nó từ khi còn trứng nước. Con bà đẻ ra, bà cho nó ăn một thì nó ăn hai…

Minh họa: Sỹ Hòa

Không hiểu rồi câu chuyện sẽ kết thúc thế nào, nếu lúc ấy không xuất hiện một người đàn ông. Ông này chắc là chồng bà, một người đàn ông râu rậm, mắt sâu, to lớn kềnh càng, lờ đờ đi đến sau lưng bà ta, nói lí nhí cái gì đó. Lập tức, người đàn bà quay ngay lại, xỉa luôn vào mặt ông ta:

- Tôi có oan thì tôi phải giải. Không việc gì đến ông nhé. A, con này tranh vợ cướp chồng, đày ải con chồng à. Đứa nào thối mồm ra cái điều thương xót nó, có giỏi thì ra ngay trước mặt bà đây mà tranh luận thử xem nào.

Vợ Tư quay vào, bực bội:

- Đàn bà gì mà ác miệng thế. Không sợ ác giả ác báo à!

Ác giả ác báo! Luật nhân quả có thế ư?

Tư không tin về sự chi phối con người của một lực lượng siêu nhiên thần bí. Nhưng, sự thật đã khiến Tư ngất ngư mất một lúc như thất lạc ý thức. Cuối tuần ấy, một chiều Tư đi làm về thì thấy chiếc xe cứu thương đậu ở dãy nhà sau. Xôn xao một lúc thì xe cứu thương chạy. Hỏi mới biết: Bà mẹ kế của Kiểm đang đi lên gác bỗng thấy nhói đau ở ngực và lăn ra bất tỉnh…

***

Hôm ấy, Tư đang ở nhà bỗng có tiếng gõ cửa. Mở cửa, Tư bị bất ngờ. Kiểm, chú bé khốn khổ, vẫn cái vóc dáng loắt choắt, hai con mắt thông minh và già dặn trước tuổi. Hai tay dắt hai đứa, một gái, một trai, thấy Tư, Kiểm liền cúi xuống, nhắc hai em:

- Em Chí, em Oanh chào bác đi! Cháu chào bác ạ!

Vợ Tư từ trong nhà chạy ra, mừng rỡ:

- Cháu Kiểm đấy à? Cháu ở đâu về thế? Về từ lúc nào?

Tư vồn vã:

- Vào trong nhà đi đã, Kiểm và hai cháu.

- Cháu về hôm qua. Cháu đến chào hai bác, rồi còn phải vào bệnh viện thăm dì cháu.

Vợ Tư bồn chồn:

- Thế hồi này cháu ở đâu?

- Dì Tân mà cháu có lần kể bác nghe đấy, dì làm ở phòng lao động công ty xây dựng tại thành phố. Dì ấy xin cho cháu vào học trường dành cho con em công nhân ở đó. Cháu vừa làm vừa học. Lớn lên cháu sẽ xin vào trường dạy nghề. Người tốt còn nhiều lắm, hai bác ạ. Nhưng cháu mới nghe tin dì cháu bị bệnh nặng, cháu vội về xem thế nào. Khổ! Từ hôm dì cháu nằm viện, hai đứa trẻ đâm ra bơ vơ, chẳng có ai trông nom cả. Ba cháu thì suốt ngày bơ thờ, rầu rĩ, cắn rứt chẳng làm được gì. Dì cháu bây giờ nằm đấy, chẳng ai vào thăm cả. Suốt đời cay nghiệt làm người khác khổ, mà mình có sung sướng gì đâu…

Vậy là chú bé Kiểm đã trở về để chia sẻ, gánh vác, trong khi nó hoàn toàn có thể vắng mặt mà không sợ bị chê trách. Nhưng Kiểm đã tự nguyện trở về. Và hoàn toàn không một chút hả hê hay ngấm ngầm thích thú trước rủi ro của kẻ đã gây ra bao khốn khổ cho mình. Kiểm, cái mầm non mạnh mẽ, hình tượng biểu trưng cho bản chất nhân hậu vốn có ở cuộc đời, tồn tại một cách gần như hồn nhiên, không cần giải thích và đang cần được bồi đắp ở cuộc đời mới này.

Tư ngồi rất lâu không động cựa trong cái ghế bành khi Kiểm và hai đứa nhỏ đã đi. Hồi lâu Tư mới làm chủ được những ý nghĩ và tình cảm mới nảy sinh đã tràn ngập trong lòng Tư. Tư yêu và vô cùng tin tưởng ở chú bé Kiểm, con người bé nhỏ nọ. Đau khổ cũng có thể làm nảy sinh những nhân cách và tâm hồn đẹp đẽ phi thường là thế đó.

Truyện Ngắn Của Ma Văn Kháng

M.V.K 2023

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/163538/chu-be-kiem