Chủ biên chia sẻ điểm mới ở SGK Tin học lớp 9 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

SGK Tin học 9, có 30 hoạt động và 18 nhiệm vụ thực hành giúp HS có rất nhiều cơ hội để phát huy tính năng động, sáng tạo, phát triển kĩ năng làm việc nhóm...

Cầm trên tay cuốn sách Tin học 9 – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2024, tôi chú ý đến một cái tên rất quen thuộc: Hà Đặng Cao Tùng - Chủ biên cuốn sách. Ông là tác giả sách giáo khoa Tin học các lớp 3, 4,5 và cũng là Chủ biên sách giáo khoa Tin học cấp trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vốn là giáo viên Toán, rồi Trưởng khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ông có một thời gian dài nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, quanh năm bận rộn với việc giảng dạy và say mê với các đề tài nghiên cứu khoa học. Vừa qua, tôi đã tranh thủ xin gặp thầy Hà Đặng Cao Tùng để lắng nghe chia sẻ nhằm giúp giáo viên và học sinh hiểu thêm về những điểm đáng chú ý của sách giáo khoa Tin học 9 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

Thầy Hà Đặng Cao Tùng - Chủ biên cuốn sách Tin học 9 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Với nụ cười thân thiện, thầy Tùng say sưa nói về đứa con tinh thần mà mình đã góp công sức. Sách giáo khoa Tin học 9 không chỉ giúp các em học sinh biết sử dụng máy tính mà còn biết sử dụng một cách an toàn và có trách nhiệm để giải quyết nhiều vấn đề trong thực tiễn.

Từng là giáo viên Toán trung học phổ thông trước khi trở thành giảng viên đại học, thầy cùng các tác giả đã chọn lọc nhiều ví dụ hấp dẫn, hoạt động học có tác dụng rèn luyện tư duy.

Cuốn sách Tin học 9 – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2024

Đơn cử trong những hoạt động đó là “Tìm đường thoát khỏi mê cung” ở Bài 14, Chủ đề 5 – Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính. Đây là một hoạt động đã được đưa vào ở lớp 5 mang tính trực quan, nhưng ở lớp 9, sách đã hướng dẫn học sinh biết cách lập trình để tìm đường đi thoát khỏi mê cung.

Hoạt động “Tìm đường thoát khỏi mê cung” ở Bài 14, Chủ đề 5 – Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính

Mới nghe, tôi cũng hơi ngỡ ngàng vì nói đến lập trình, bất kì ai cũng nghĩ đến sự phức tạp, đòi hỏi tư duy cao và kiến thức sâu của nhiều lĩnh vực, đối với giáo viên còn khó huống hồ học sinh. Nhưng thầy khẽ mỉm cười: Thực ra không khó đâu, chủ yếu là phương pháp hướng dẫn thôi. Trong sách đã gợi ý đủ các thuật toán và có hướng dẫn cụ thể theo từng bước, chỉ cần thực hiện tuần tự theo là bài toán sẽ được giải quyết. Như vậy, học sinh sẽ biết cách chia nhỏ các vấn đề trong một bài toán để phân tích và giải quyết từng phần, tổng hợp kết quả từng phần, nghĩa là bài toán đã được hoàn thành, tức biến việc lập trình từ khó khăn thành đơn giản. Hoạt động này còn hỗ trợ nội dung về robot theo định hướng khoa học máy tính ở lớp 10. Phía sau đó ẩn ý một cách tiếp cận trí tuệ nhân tạo: Giải quyết vấn đề bằng tìm kiếm.

Thầy cũng cho biết các tác giả đã chọn đưa vào sách những tình huống thiết thực với nhu cầu hiện tại ở lứa tuổi các em. Ví dụ hoạt động “Chọn trường” ở Bài 2, Chủ đề 2 – Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin nhằm giúp học sinh có khả năng đánh giá thông tin theo yêu cầu của chương trình, đồng thời giúp các em giải quyết một vấn đề thực tế đối với mọi học sinh lớp 9.

Hoạt động “Chọn trường” ở Bài 2, Chủ đề 2 – Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin

Trong Tin học 9, có 30 hoạt động và 18 nhiệm vụ thực hành. Như vậy các em có rất nhiều cơ hội để phát huy tính năng động, sáng tạo, phát triển kĩ năng làm việc nhóm, biết cộng tác cùng nhau để giải quyết vấn đề, qua đó hướng tới mục đích hình thành và phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.

Tôi thầm nghĩ, so với thời xưa, việc học của học sinh giờ cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Sách giáo khoa được in đẹp, nhiều màu sắc, minh họa hấp dẫn, kiến thức cập nhật, trình bày khoa học, dễ hiểu và có tính ứng dụng cao, học sinh có thể tự học được. Đó là chưa kể đến sự hỗ trợ của các nền tảng số, muốn tìm hiểu điều gì, cứ vào internet là tìm được và được học để biết thông tin nào đáng tin cậy và hữu ích. Năng lực tin học thật sự cần thiết khi chúng ta đang sống trong kỉ nguyên công nghệ số.

Sực nhớ ra rằng, sách dùng cho học sinh, nhưng giáo viên là người giảng dạy thì Tin học 9 có điểm gì mới không? Đem những băn khoăn đó trao đổi, thầy cho biết: Việc dạy học theo sách giáo khoa Tin học 9 rất thuận lợi, bởi cuốn sách được in 4 màu, trình bày đẹp, dễ nhìn, dễ hiểu, có nhiều hình ảnh, sơ đồ minh họa. Đặc biệt cấu trúc của sách tương hợp với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường nên việc soạn giáo án sẽ tiết kiệm thời gian. Các mảng kiến thức được trình bày ngắn gọn, cô đọng để giáo viên dễ dạy cũng như hướng dẫn học sinh thực hành, đảm bảo được các yêu cầu cần đạt.

Tuy là môn khoa học có độ chính xác cao nhưng sách luôn dành rất nhiều không gian sáng tạo để giáo viên được chủ động khi lên lớp cũng như hướng dẫn học sinh tạo ra các sản phẩm. Ví dụ trong bài tập dự án “Triển lãm tin học”, giáo viên có thể linh hoạt về quy mô dự án, cách tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, có thể khai thác các sản phẩm mà học sinh đã thực hiện từ những năm học trước. Giáo viên cũng có thể sử dụng kết quả bài tập dự án như một phần của điểm định kỳ. Việc đánh giá học sinh bằng hình thức ghi công thông qua các sản phẩm và hoạt động tích cực trên lớp của học sinh sẽ mang tính khuyến khích, động viên tinh thần học tập của các em, nhất là chia sẻ những khó khăn, vất vả của các em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Góp phần thực hiện tinh thần đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học còn đóng vai trò hỗ trợ các môn học khác. Chẳng hạn, khi học về phần mềm mô phỏng, học sinh còn được củng cố và phát hiện ra những điều mới mẻ trong các môn Khoa học tự nhiên, Toán học hay Mĩ thuật.

Thầy Hà Đặng Cao Tùng tin tưởng rằng với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, việc dạy theo sách giáo khoa Tin học 9 sẽ không có gì trở ngại. Các thầy cô có thể yên tâm dạy những nội dung mới qua các buổi tập huấn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Đội ngũ tác giả đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu hướng dẫn và ngữ liệu, công cụ hỗ trợ các thầy cô để khắc phục những trở ngại. Để tiếp cận dần với việc giảng dạy theo sách mới, các thầy cô có thể vào trang website: https://taphuan.nxbgd.vn để tải tài liệu. Bên cạnh đó, các tác giả sách luôn sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc của thầy cô liên quan đến nội dung môn học thông qua trang page: SGK TIN HỌC 6789 - Kết nối TTVCS.

Tin học 9 đã sẵn sàng đưa các em học sinh khám phá những điều kì diệu qua những hoạt động thú vị, giúp các em tự tin trong một thế giới biến đổi nhanh chóng với công nghệ số. Điều này phần nào được chứng minh qua các buổi dạy thử nghiệm ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn với trên 350 học sinh trải nghiệm. Kết quả là học sinh đều rất hứng thú và đón nhận môn học với các yêu cầu của bài dạy. Đó cũng là nguồn động viên lớn đối với nhóm tác giả sách, đặc biệt đối với thầy Hà Đặng Cao Tùng. Còn rất nhiều điều để nói thêm về sách giáo khoa Tin học 9 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) nhưng câu hỏi và cảm nhận sẽ để dành cho các thầy cô và các em học sinh trong quá trình tiếp cận giảng dạy và học tập.

Kim Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chu-bien-chia-se-diem-moi-o-sgk-tin-hoc-lop-9-bo-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-post241430.gd