Chú chó cùng chàng bác sĩ đi qua 3 bệnh viện dã chiến

Vì không gửi được ai chăm sóc, BS Nguyễn Thành Tâm buộc phải mang chú chó của mình vào nuôi ở bệnh viện dã chiến - nơi anh tham gia chống dịch.

Chú chó ấy có tên là Đậu, nay đã 10 tháng tuổi. Thoáng chốc, Đậu đã cùng bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Tâm (BS Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM) đi qua ba BV dã chiến với biết bao kỷ niệm khó quên mùa COVID-19.

Đậu thích nghi rất tốt, được mọi người yêu quý

BS Tâm cho biết đã mua bé cún từ trước khi tham gia chống dịch, lúc đó Đậu chỉ hai tháng tuổi. Cho đến nay, anh đã nuôi Đậu được tám tháng. Trong khoảng thời gian đó, Đậu đã cùng BS đi qua ba BV dã chiến số 1, số 13 và số 14. Anh Tâm cho biết bản thân rất thích cún, người thân nuôi thì phụ chăm nhưng đây là lần đầu anh nuôi chú cún của riêng mình.

Đậu nghiêm túc ngồi “làm việc” cùng BS Tâm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

Đậu nghiêm túc ngồi “làm việc” cùng BS Tâm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

Kể về những khó khăn khi nuôi em cún ở BV dã chiến, anh Tâm chia sẻ thời điểm đó đang là đỉnh dịch, hoàn toàn không có thời gian ra ngoài mua thức ăn cho nó, thậm chí lúc đó đồ ăn cũng khan hiếm. Nhờ những nhà hảo tâm, nhà tài trợ hỗ trợ rau củ, trái cây cho BV nên BS cho Đậu ăn thêm trái cây.

“Chúng tôi ăn cái gì thì cho Đậu ăn cái đó, rồi ăn thêm rau, thêm trái cây. Lúc đó mỗi người chỉ có một suất ăn nên các bạn đồng nghiệp cũng chia sẻ, tôi trích một phần cơm thì các bạn cũng trích một phần cơm để cho cún ăn” - BS Tâm kể.

BS Tâm còn chia sẻ thêm rằng lúc ở BV dã chiến số 1 là lúc dịch bùng nên rất khó khăn trong việc chăm sóc Đậu, gần như anh dành toàn thời gian cho công việc. Sau ngày 20-9, anh về BV dã chiến số 13 thì được các đồng nghiệp hỗ trợ chăm sóc Đậu. Sau đó dịch dần lắng xuống, BS Tâm có nhiều thời gian cho Đậu hơn.

“Ban đầu tôi không nghĩ sẽ nuôi cún trong BV dã chiến, tôi mua về nhà nuôi để làm bạn giải trí, tạo niềm vui. Đậu cùng tôi vào BV dã chiến chỉ là do hoàn cảnh vì lúc tôi tham gia chống dịch thì không có ai để gửi nuôi Đậu. Cứ nghĩ sẽ khó khăn nhưng nào ngờ Đậu thích nghi rất tốt, mọi người trong BV đều quý mến Đậu” - BS bày tỏ.

Đi đâu BS Tâm cũng chở Đậu theo cùng, những BS và điều dưỡng ở BV dã chiến rất mến Đậu nên anh có thể nhờ chăm Đậu hộ mỗi khi bận. Đậu rất ít sủa, có lần khát nước thì sủa đòi uống nước. Đậu cũng không cắn ai, vô cùng thân thiện với mọi người. Tuy bây giờ BS Tâm không còn công tác ở BV dã chiến số 13 nữa nhưng mỗi sáng khi qua đây anh đều mang Đậu sang gửi ở phòng, mang đồ ăn theo. Anh cho Đậu ở chơi với các đồng nghiệp, chiều đi làm về lại sang rước Đậu.

Đậu đã cùng BS đi qua ba BV dã chiến số 1, số 13 và số 14. Ảnh: NVCC

Đậu đã cùng BS đi qua ba BV dã chiến số 1, số 13 và số 14. Ảnh: NVCC

Khi được hỏi về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người, BS Tâm cho biết không quá lo ngại vì thực tế chưa có tài liệu nào nghiên cứu vấn đề lây bệnh này. “Tôi nuôi Đậu ở đây không những không gây bất tiện mà vô tình đã tạo niềm vui cho mọi người. Các đồng nghiệp, nhân viên y tế ở đây ai cũng yêu quý Đậu. Nhiều khi tôi chạy vào BV mà không có Đậu thì mọi người sẽ hỏi: “Tâm ơi sao không chở Đậu theo”. Việc đùa giỡn với Đậu đã giúp mọi người giảm bớt căng thẳng trong những tháng ngày chống dịch gian khổ này” - anh Tâm trải lòng.

BS Tâm còn bộc bạch rằng: “Khi công việc căng thẳng, ngồi chơi với Đậu, xem nó làm trò tôi cảm thấy bớt áp lực, làm việc cũng hiệu quả hơn. Tôi thương Đậu như người thân, đi ngủ thì tôi ngủ trên giường còn nó ngủ dưới kế bên. Hôm nào tôi về trễ quá nó nằm chờ, mở cửa ra nó mừng ríu rít. Tôi cảm nhận được những tình cảm mà nó dành cho mình. Đối với tôi, Đậu như một đứa con nít vậy đó, như đứa con tinh thần, rất là thương”.

Góp mặt trong MV của 20 nghệ sĩ Việt Nam

BS Tâm vui vẻ kể Đậu đã từng được xuất hiện trong MV Way Back Home (Về nhà thôi) của 20 nghệ sĩ Việt Nam. MV được quay ở các BV dã chiến, trong đó có BV dã chiến số 13 - nơi Đậu theo anh Tâm lúc anh tham gia chống dịch.

Cùng Đậu đi qua những ngày tháng khốc liệt

Nhớ về những ngày tháng tham gia chống dịch tại các BV dã chiến với sự có mặt của bé Đậu, BS Nguyễn Thành Tâm cho biết đã trải qua nhiều điều khó khăn mà trong tiền lệ chưa từng có.

“Dịch bệnh đến mình không thể kiểm soát được, những nhân viên y tế nói chung đều phải hy sinh hạnh phúc gia đình và gác lại nhu cầu cá nhân. Thời điểm căng thẳng nhất, tôi cũng tạm gác lại khoảng thời gian ôn tập cho kỳ thi chuyên khoa 1 của mình vì phải tham gia chống dịch. Khi dịch bệnh lắng xuống, tôi tranh thủ ôn thi ở BV dã chiến và đã thi đỗ thủ khoa chuyên khoa 1- chuyên ngành truyền nhiễm” - BS Tâm nói.

Khi dịch dần lắng xuống, BS Tâm có nhiều thời gian cho Đậu hơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khi dịch dần lắng xuống, BS Tâm có nhiều thời gian cho Đậu hơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Anh tâm sự bản thân chưa có gia đình riêng, lúc đó anh phải xa cha mẹ khá lâu, chỉ nói chuyện qua video call nên rất nhớ nhà. Nhớ lại những đêm trắng đi đón bệnh nhân (BN), anh cho biết thời điểm đó hệ thống BV 115 gần như tê liệt. Số điện thoại cá nhân của anh được dùng làm số hotline của BV nên được công bố trên tất cả trang của Sở Y tế. Vì thế người dân gọi đến anh rất nhiều.

“Tôi đã nhận nhiều ca bệnh người thân đang lâm vào tình trạng rất nặng mà gọi cấp cứu không được. Lúc đó ai gọi đến thì tôi giúp, sức mình có hạn nên không thể giúp hết tất cả được. Tôi liên hệ ngay cho xe cấp cứu của BV, khi ấy chỉ có hai chiếc xe. Ban ngày xe phải chuyển bệnh liên tục, nên chỉ có nửa đêm thì tôi mới có thể điều động được” - BS Tâm cho biết.

Đậu trở thành thành viên thân thiết của tất cả mọi người, tham dự các sự kiện tại các bệnh viện dã chiến. Ảnh: THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

Đậu trở thành thành viên thân thiết của tất cả mọi người, tham dự các sự kiện tại các bệnh viện dã chiến. Ảnh: THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

BS Tâm bồi hồi nhớ lại một buổi chiều đang đi đón bệnh thì có một cuộc gọi, chị là người hàng xóm dưới quê. Chị cho hay chồng ở trọ quận 4 và đang hôn mê. Ngay lập tức gọi ngay cho Trung tâm y tế quận 4 điều xe và nhân viên y tế đến hỗ trợ. Ba hôm sau BN tỉnh lại nhưng phải thở ôxy, anh lại nhận về BV dã chiến số 1 điều trị tiếp. Năm ngày sau, BN tiếp tục chuyển nặng buộc phải chuyển về BV Bệnh nhiệt đới nằm 10 ngày. May mắn người bệnh đã hồi phục.

Khi trở về căn nhà trọ, bà chủ đã tử vong do COVID-19, nhà trọ đóng cửa nên BN không có chỗ về. BS Tâm lại điều xe của BV đưa họ về bố trí phòng cho ở tạm. Được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, BS Tâm gọi xe khách đưa BN trở về quê Bến Tre.

“Những ngày tháng đó chắc hẳn mãi sau này khi nhớ lại tôi vẫn sẽ nổi da gà. Đó là những ngày mà tôi phải chứng kiến rất nhiều BN đứng giữa lằn ranh sinh tử, điều mà trước giờ tôi chưa từng gặp phải. Bây giờ tình hình đã đỡ hơn rất nhiều. Tôi hy vọng mọi người đều bình an vượt qua dịch bệnh” - BS Tâm trải lòng.

BS Tâm ôn thi ở BV dã chiến và đã đỗ thủ khoa Chuyên khoa 1- chuyên ngành truyền nhiễm. Ảnh: NVCC

BS Tâm ôn thi ở BV dã chiến và đã đỗ thủ khoa Chuyên khoa 1- chuyên ngành truyền nhiễm. Ảnh: NVCC

“Ai đã gặp Đậu rồi thì cũng đều yêu quý nó”

Chị Nguyễn Thị Phượng (công tác tại Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP) hiện là nhân viên y tế tại BV dã chiến số 13 - là người thường xuyên hỗ trợ anh Tâm chăm sóc Đậu. Chị cho biết buổi sáng BS Tâm bận việc sẽ gửi Đậu cho chị. BS còn gửi kèm đồ ăn sáng cho nó. Đậu sẽ ở trong phòng chơi với mọi người. Đến trưa mọi người sẽ làm đồ ăn cho Đậu, rảnh thì dẫn nó đi chơi.

“Đậu thân thiện và dễ thương lắm, mọi người ở đây ai đã gặp Đậu rồi thì đều yêu quý nó hết. Chơi với Đậu giúp mọi người cảm thấy tinh thần vui vẻ hơn, giảm bớt căng thẳng trong công việc” - chị Phượng chia sẻ.

THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chu-cho-cung-chang-bac-si-di-qua-3-benh-vien-da-chien-1046071.html