Chủ chuỗi Tokyolife vừa bị truy thu thuế: Mở hàng trăm cửa hàng, doanh thu năm hơn 1.300 tỷ đồng nhưng chỉ lãi 'siêu mỏng'

Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, chuỗi Tokyolife được điều hành bởi Công ty cổ phần Intellife (Intellife). Intellife được thành lập tháng 1.2018 với lĩnh vực kinh doanh chính là may trang phục.

Trên thị trường hàng tiêu dùng, TokyoLife được biết đến là chuỗi siêu thị cửa hàng cung cấp các sản phẩm đa dạng bao gồm: Đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, phụ kiện chính hãng Nhật Bản, thời trang và phụ kiện thông minh...
Dù chỉ đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng các cơ sở của Tokyolife đã phủ đến nhiều địa phương tại Việt Nam. Cho đến hiện tại số cửa hàng Tokyolife đã tới gần 200. Chuỗi siêu thị này đặt tham vọng tới năm 2025 trở thành công ty sản xuất và bán lẻ phục vụ 10 triệu khách hàng Việt Nam.

 Tokyolife mở hàng trăm cửa hàng tại nhiều địa phương (Ảnh: Tokyolife)

Tokyolife mở hàng trăm cửa hàng tại nhiều địa phương (Ảnh: Tokyolife)

Tokyolife từng gây chú tới cộng đồng khi là chuỗi cửa hàng đưa ra ý tưởng về xây dựng mô hình việc làm bền vững cho người khuyết tật với tên gọi “thiên thần”.

 Tokyolife đưa ra ý tưởng về xây dựng mô hình việc làm bền vững cho người khuyết tật với tên gọi “thiên thần”. (Ảnh: Tokyolife)

Tokyolife đưa ra ý tưởng về xây dựng mô hình việc làm bền vững cho người khuyết tật với tên gọi “thiên thần”. (Ảnh: Tokyolife)

Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, chuỗi Tokyolife được điều hành bởi Công ty cổ phần Intellife (Intellife). Intellife được thành lập tháng 1.2018 với lĩnh vực kinh doanh chính là may trang phục.
Ban đầu, doanh nghiệp này có vốn điều lệ đăng ký là 4,8 tỷ đồng, thành viên góp vốn là ông Nguyễn Thanh Sơn góp 50,9%, Trần Trung Hiếu góp 0,1%, bà Vũ Ánh Hồng góp 49%.
Sau nhiều lần điều chỉnh tăng vốn, đến tháng 10.2021, Intellife tăng vốn điều lệ lên đạt mức 95 tỷ đồng. Đại diện pháp luật lúc này là ông Nguyễn Văn Tiến (Sinh năm 1989).
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu tài chính cho thấy, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, doanh thu của Intellife liên tục có bước tăng trường mạnh mẽ.
Đơn cử như năm 2018, năm đầu tiên chính thức vận hành, doanh nghiệp thu về hơn 107 tỷ đồng.

Chỉ một năm sau đó, doanh thu đã tăng vọt gần 400% lên mức hơn 532 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu tiếp tục cán mốc gần 700 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của Intellife duy trì ở mức trên 800 tỷ đồng. Cho đến năm 2023 vừa qua, doanh thu tăng mạnh lên mức hơn 1.300 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu có những bước tăng trưởng và liên tiếp phá đỉnh nhưng lợi nhuận của chủ chuỗi Tokyolife lại hoàn toàn đối lập khi các chỉ số cho thấy một bức tranh tài chính với màu sắc khá “ảm đạm”.
Cụ thể, trong năm đầu hoạt động, Intelllife báo lỗ 530 triệu, điều này cũng dễ hiểu với doanh nghiệp vừa bước vào thị trường. Chỉ sau đó một năm, Intellife đã thoát khỏi thua lỗ và bắt đầu báo lãi ở mức hơn 130 triệu đồng.
Giai đoạn tiếp theo từ 2020-2022, dù doanh thu đã tăng lên mốc hơn 850 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Intellife không có nhiều đột phá khi chỉ nhích từ hơn 380 triệu đồng lên hơn 1,4 tỷ đồng. Phải đến năm 2023, khi doanh thu vượt mốc nghìn tỷ đồng, Intellife mới báo lãi hơn 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này vẫn chỉ chiếm khoảng 1% của doanh thu. Việc lợi nhuận luôn cách biệt “1 trời 1 vực” với doanh thu khiến ROS của Intellife chỉ dao động ở mức 0,02% - 1%.

Về tình hình tài chính, tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của Intellife đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Đối ứng bên phần nguồn vốn, nợ phải trả của công ty này ghi nhận tới 929 tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 100 tỷ. Trong cấu trúc nguồn vốn, khoản mục phải trả khác cao đột biến, ở mức hơn 670 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023.

Vừa qua, ngày 16.10.2024, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra thuế đối với Công ty cổ phần Intellife.
Theo kết luận, về thuế GTGT, Công ty Intellife khuyến mại hàng hóa dịch vụ (HHDV) chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thương mại, hạch toán thuế GTGT của hàng lỗi hỏng không đủ hồ sơ, hạch toán chi phí bán hàng không phục vụ sản xuất kinh doanh; chưa phân bổ thuế GTGT đầu vào đối với HHDV không chịu thuế.
Theo đó, Công ty Intellife đã vi phạm khoản 1, Điều 15; khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Về thuế TNDN, Công ty Intellife kê khai chi phí lãi vượt mức khống chế theo quy định về giao dịch liên kết, hạch toán chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp không đúng quy định, không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Công ty Intellife vi phạm điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC và Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Thêm nữa, Công ty Intellife chưa kê khai phụ lục giao dịch liên kết theo quy định với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại tờ khai Quyết toán thuế TNDN năm 2022-2023.
Sau thanh tra, đoàn thanh tra xác định truy thu thuế tổng số tiền 5,5 tỷ đồng, trong đó thuế TNDN năm 2022 là 1 tỷ đồng, năm 2023 là 4,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, Công ty Intellife bị phạt do hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 1,1 tỷ đồng; phạt do chưa kê khai giao dịch liên kết theo mẫu quy định số tiền 24 triệu đồng; phạt do khai sai tờ khai thuế GTGT 16 tờ khai số tiền 113,7 triệu đồng.
Tính đến 11.10.2024, tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 59 Luật quản lý thuế năm 2019 và Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP do chậm nộp tiền thuế là 431 triệu đồng.
Kết luận, Cục Thuế thành phố Hà Nội yêu cầu Intellife nộp tiền truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp với tổng số tiền 7,1 tỷ đồng.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-chuoi-tokyolife-vua-bi-truy-thu-thue-mo-hang-tram-cua-hang-doanh-thu-nam-hon-1300-ty-dong-nhung-chi-lai-sieu-mong-post394574.html