Chủ cửa hàng biến hàng trôi nổi thành... hàng hiệu
Thấy nhu cầu sử dụng thiết bị vệ sinh chính hãng cao, Tuấn móc ngoặc với nhiều đối tượng tuồn hàng 'lởm' về cửa hàng và bán với giá hàng hiệu.
Khép lại phiên tòa sơ thẩm ngày 10-5, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Vũ Tuấn (SN 1969, trú ở phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Buôn bán hàng giả”, theo Điều 156-BLHS.
Quá trình xét xử cho thấy, trưa 27-7-2016, lực lượng công an kinh tế phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với cửa hàng Thiết bị vệ sinh Tuấn Bình, tại số 445 phố Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, do Nguyễn Vũ Tuấn làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện hàng trăm linh kiện, thiết bị vệ sinh mang thương hiệu Inax và Viglacera đang được bầy bán nhưng chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cùng ngày, khám xét tại cửa hàng của Tuấn, lực lượng chức năng thu giữ thêm hàng trăm linh kiện, thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ nhưng đều mang thương hiệu Inax và Vigalacera.
Tiến hành giám định số hàng hóa nêu trên cơ quan chức năng nhận thấy, hầu hết đều là hàng giả và không phải do Công ty TNHH Lixil Việt Nam cũng như Công ty CP Thương mại Viglacera sản xuất ra. Và với những chứng cứ xác đáng này, chủ cửa hàng Thiết bị vệ sinh Tuấn Bình lập tức bị điều tra, truy tố về hành vi buôn bán hàng giả.
Bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Vũ Tuấn thừa nhận năm 2003, đối tượng mở cửa hành kinh doanh gạch ốp lát tại địa chỉ nêu trên. Đầu năm 2016, Tuấn chuyển sang kinh doanh thiết bị vệ sinh các loại và nhận thấy nhu cầu sử dụng thiết bị vệ sinh hàng chính hiệu Inax cũng như Viglacera của người dân rất cao. Trong khi đó, giá thành các mặt hàng của 2 thương hiệu này lại khá cao.
Nhằm thu được nhiều tiền lời bất chính, thông qua người quen (không rõ lai lịch), Tuấn kết nối được với một số đối tượng ở TP Móng Cái, Quảng Ninh và thỏa thuận sẽ nhập các thiết bị vệ sinh do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác Inax cùng Viglacera về bán tại cửa hàng.
Mỗi khi có nhu cầu, Tuấn chỉ cần điện thoại thông báo số lượng, chủng loại cho đồng bọn ở Quảng Ninh là sẽ nhanh chóng có được những mặt hàng như mong muốn, thông qua đường ô tô khách chở đến tận cửa hàng hoặc giao dịch tại khu vực cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Bằng thủ đoạn nêu trên, từ tháng 3 đến tháng 7-2016, chủ cửa hàng Thiết bị vệ sinh Tuấn Bình đã buôn bán trót lọt hàng nghìn linh kiện, thiết bị vệ sinh giả mạo của hai thương hiệu có tiếng, trong đó chủ yếu là thương hiệu Inax với tổng giá trị (xác định được) tương đương hàng hóa thật là hơn 630 triệu đồng.
Đáng nói hơn nữa là Tuấn không chỉ bán lẻ cho người tiêu dùng mà trong thời gian làm ăn bậy bạ, chủ cửa hàng Thiết bị vệ sinh Tuấn Bình còn bán buôn cho một số cửa hàng tương tự cũng ở quận Hà Đông và ở quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên trong số cửa hàng này, cơ quan chức năng mới chỉ thu giữ được một phần lượng hàng hóa bị giả mạo.
Đưa Nguyễn Vũ Tuấn ra xét xử, TAND TP Hà Nội khẳng định hành vi của bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội. Bởi việc buôn bán hàng giả của bị cáo không chỉ xâm phạm đến trật tự quản kinh tế của Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt chủ cửa hàng Thiết bị vệ sinh Tuấn Bình mức án nêu trên.