Chủ cửa hàng tạp hóa cướp tài sản của kẻ trộm: từ bị hại trở thành bị can

Luật sư cho rằng, chủ của hàng tạp hóa ở Đắk Nông bị bắt vì cướp tài sản của kẻ trộm là bài học đắt giá cho nhiều người trong việc ứng xử đối với các tình huống trong đời sống xã hội, đừng biến mình từ đúng thành sai, từ bị hại thành bị can.

 Nơi xảy ra vụ chủ tiệm tạp hóa "cướp tài sản" của kẻ trộm (Ảnh: M.Q)

Nơi xảy ra vụ chủ tiệm tạp hóa "cướp tài sản" của kẻ trộm (Ảnh: M.Q)

Tình huống hy hữu

CA huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thu T (47 tuổi, trú tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Theo thông tin ban đầu, bà T là chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Nhân Cơ. Ngày 17/6, bà N.T.M (38 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk) điều khiển xe máy đến cửa hàng tạp hóa của bà và lấy trộm hai cây thuốc lá dắt vào cạp quần, dùng áo khoác che phủ bên ngoài.

Sự việc bị bà T phát hiện. Bà T dùng tay tát vào mặt của bà M. Ngoài ra, người làm của bà T đã dắt xe máy của bà M vào bên trong nhà kho rồi đóng cửa lại. Sau đó, bà T yêu cầu bà M đưa ví rồi lấy 200.000 đồng và giấy tờ, chìa khóa xe, điện thoại di động của bà M. Tiếp đó, bà T yêu cầu bà M phải bồi thường 10 triệu đồng mới trả lại đồ và viết bản tường trình. Viết xong tường trình, bà M xin lấy lại điện thoại của mình để gọi điện cho con gái chuyển tiền trả bà T.

Quá trình gọi điện, bà M cung cấp số tài khoản ngân hàng của bà T cho con gái. Trưa ngày 17/6, con gái bà M đã chuyển đến tài khoản của bà T số tiền 10 triệu đồng. Sau đó, bà T còn chụp hình bà M lại để “bóc phốt” và gọi điện thoại cho CA xã Nhân Cơ để tố giác hành vi của bà M. Tiếp nhận điều tra vụ việc, ngày 26/6, CA huyện Đắk R’lấp đã khởi tố bà T về tội “Cướp tài sản”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với chủ tiệm tạp hóa về tội “Cướp tài sản” là có căn cứ.

Luật sư Thái cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân. Những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản của công dân như lén lút để chiếm đoạt tài sản, dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài học đắt giá

Theo luật sư Thái, trong vụ việc nêu trên, kết quả xác minh ban đầu cho thấy chủ tiệm tạp hóa đã bắt quả tang người phụ nữ trộm cắp tài sản trong cửa hàng của mình (trộm 2 cây thuốc lá). Với tình huống như vậy, chủ tiệm tạp hóa hoàn toàn có quyền bắt giữ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để trình báo với cơ quan chức năng xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vì coi thường pháp luật mà chủ tiệm tạp hóa này đã tự xử lý vi phạm của người khác trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, xâm phạm sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của bà M là đi quá giới hạn mà pháp luật cho phép.

“Hành vi của chủ tiệm tạp hóa đã đi quá giới hạn mà pháp luật cho phép, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác, có dấu hiệu cấu thành tội “Cướp tài sản”. Bà M sẽ phải chịu chế tài trước pháp luật, nhưng nếu vì hành vi trộm cắp của bà M mà bà T đánh đập, xúc phạm, bắt giữ M trái pháp luật hoặc thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản của bà M thì bà T đang là nạn nhân lại trở thành bị can. Vì pháp luật nghiêm cấm sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại hành vi vi phạm pháp luật của người khác” - luật sư Thái phân tích.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy chủ hiệu tạp hóa này đã dùng vũ lực tát vào mặt, đánh người phụ nữ này để lấy số tiền 200.000 đồng mà không có sự đồng ý của họ. Theo luật sư Thái, đây là hành vi cướp tài sản thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, chủ cửa hàng tạp hóa còn thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng bằng hình thức ép buộc nạn nhân phải viết “cam kết bồi thường thiệt hại” với hình thức che đậy là “trả nợ”.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý, cam kết bồi thường thiệt hại là văn bản thỏa thuận trái với ý chí của nạn nhân, là hình thức để hợp thức hóa hành vi cướp tài sản nên giấy cam kết này không có giá trị pháp lý để chứng minh giao dịch dân sự. Khoản tiền này không phải là tiền bồi thường thiệt hại một cách hợp pháp (do không có sự tự nguyện), cũng không phải là khoản tiền “trả nợ” vì hai bên thực tế không có nợ nần gì nhau. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì bị can còn có thể đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo khoản 2 Điều 168, Bộ luật Hình sự nêu trên. "Vụ việc này là bài học đắt giá cho nhiều người về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu tài sản cũng như hành vi ứng xử đối với các tình huống trong đời sống xã hội" – luật sư Thái nêu quan điểm.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-cua-hang-tap-hoa-cuop-tai-san-cua-ke-trom-tu-bi-hai-tro-thanh-bi-can-387216.html