Chủ đầu tư, các cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm chính trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 9.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm TP.HCM và giao ban giải ngân vốn đầu tư công.

Qua báo cáo, thảo luận tại cuộc họp, trong 42 dự án, đề án TP đang tập trung triển khai, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị giao Sở KH-ĐT TP và Văn phòng UBND TP thống kê rõ tiến độ, cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân để theo dõi tiến độ theo từng tháng. Từ buổi làm việc này phải nêu ra được kết luận cho từng dự án.

Đối với các chủ đầu tư là 4 ban quản lý, TP.Thủ Đức và Hội đồng bồi thường, ông Mãi yêu cầu tập trung lên bảng tiến độ các dự án, đề án, xác định các vấn đề phải tháo gỡ, các cơ quan phối hợp, qua đó chủ động phối hợp giải quyết. Trường hợp vướng trong quá trình phối hợp giữa ban quản lý dự án với các sở, ngành, địa phương thì báo ngay về Thường trực UBND TP.HCM.

Quang cảnh buổi họp - Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Quang cảnh buổi họp - Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý ngay khi nhận được báo cáo phát sinh liên quan đến 42 dự án, đề án công trình trọng điểm, Văn phòng UBND TP.HCM phải cáo ngay Thường trực UBND TP.HCM để xử lý trong ngày.

“Các chủ đầu tư, các cơ quan được giao chủ trì phải chịu trách nhiệm chính, đảm bảo tiến độ, xác định các vấn đề phát sinh và chủ động phối hợp báo cáo về Thường trực UBND TP.HCM”, ông Mãi đề nghị.

Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP xác định không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân (phấn đấu đạt 95%). Ông Mãi yêu cầu từng chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân và báo cáo cập nhật tiến độ về Thường trực UBND TP.HCM vào ngày 15 hàng tháng. Các chủ đầu tư phải sát sao từng dự án và khối lượng xây lắp, không đổ lỗi hết cho công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi yêu cầu TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh nếu đã thực hiện hết các giải pháp mà không đạt kết quả thì phải dùng đến các biện pháp, bằng mọi cách phải đảm bảo có mặt bằng để triển khai, không thể để dự án kéo dài.

Đi vào chi tiết giải pháp để thực hiện giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện TP còn 63.000 tỉ đồng chưa giải ngân, trong đó có 30.400 tỉ đồng là vốn để giải phóng mặt bằng. Đến ngày 20.10, các quy định về chính sách và căn cứ được ban hành, các sở, ngành tham gia tháo gỡ thì sẽ giải quyết được con số này. Ông Mãi yêu cầu tập trung giải ngân từ 28.000 - 30.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng.

“Về các dự án đang thực hiện là 9.600 tỉ đồng, các chủ đầu tư tập trung điều hành để đạt kết quả. Còn với các dự án khởi công mới khoảng 8.000 tỉ đồng, các chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công được trong năm nay. Liên quan đến các thủ tục vướng mắc về quy hoạch với 57 dự án (4.400 tỉ đồng), cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phê duyệt dự án, tiến hành mở thầu, ký hợp đồng theo quy định”, ông Mãi đề nghị.

Đối với dự án chống ngập, ông Mãi yêu cầu Sở KH-ĐT TP kết toán kỹ khả năng giải ngân trong năm nay và có phương án điều tiết. Tuyến metro số 1 cũng phải tập trung giải quyết trong năm đạt ít nhất 91%.

“Tinh thần là các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính trong xác định các vướng mắc; các sở, ngành liên quan tập trung phối hợp để đẩy nhanh triển khai các dự án và giải ngân được vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư phải sát sao cho từng dự án, các sở, ngành nâng cao trách nhiệm trong từng nhóm dự án để giải quyết có hiệu quả các nội dung, đầu việc đã đề ra”, ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị, Sở KH-ĐT TP và Văn phòng UBND TP cùng với chủ đầu tư các dự án rà soát để xem có gì cần điều chỉnh để kịp trình HĐND TP.HCM, đảm bảo tiến độ cho từng dự án, đề án cho công trình trọng điểm; đồng thời đảm bảo tiến độ giải ngân.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT TP, tính đến hết ngày 30.9, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 15.987 tỉ đồng, đạt 20,2% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (79.263,776 tỉ đồng). Qua tổng hợp nội dung báo cáo của cơ quan đầu mối, chủ đầu tư, Sở KH-ĐT TP cũng cho biết tiến độ của 42 dự án, 5 đề án và 3 đồ án quy hoạch.

Cụ thể, đối với 42 dự án có 18 dự án đúng tiến độ, gồm: Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8; đường Vành đai 4 TP.HCM; dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ; dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3)…

Đối với 5 đề án, có 3/5 đề án được các đơn vị đánh giá đúng tiến độ gồm: Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM; đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Đối với 3 đồ án quy hoạch, có 1/3 đồ án được báo cáo đủ thông tin, gồm: Đồ án Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang triển khai theo tiến độ thực hiện thủ tục liên ngành. Có 1/3 đồ án chưa được báo cáo, gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; đồ án Quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040.

P.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-dau-tu-cac-co-quan-duoc-giao-chu-tri-chiu-trach-nhiem-chinh-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-224724.html