Chủ đầu tư được quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu?
Chủ đầu tư là người có trách nhiệm quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án. Trong trường hợp phức tạp, chủ đầu tư quyết định xử lý tình huống sau khi có ý kiến của người có thẩm quyền.
Theo Khoản 9, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì trường hợp giá đề nghị trúng thầu thấp dưới 50% giá gói thầu được duyệt thì được phép thành lập tổ thẩm định liên ngành để yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan theo hướng sau đây:
- Các yếu tố kinh tế liên quan đến biện pháp thi công, quy trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ;
- Giải pháp kinh tế được áp dụng hoặc các lợi thế đặc biệt của nhà thầu dẫn đến lợi thế về giá cả;
- Nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ, nhân sự cung cấp cho gói thầu, trong đó phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trường hợp thỏa mãn được các điều kiện quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu vẫn được chấp nhận trúng thầu.
Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá trúng thầu và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Nhà thầu nhận được sự trợ cấp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu sẽ bị loại.
Ông Nguyễn Thanh Tùng hỏi, có bắt buộc phải thành lập tổ thẩm định liên ngành để yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan không?
Nếu có thì tổ thẩm định liên ngành gồm những đơn vị nào tham gia thẩm định đối với dự án do thành phố quyết định đầu tư?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm a, Khoản 2, Điều 86 Luật Đấu thầu quy định chủ đầu tư là người có trách nhiệm quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án. Trong trường hợp phức tạp, chủ đầu tư quyết định xử lý tình huống sau khi có ý kiến của người có thẩm quyền.
Khoản 9, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trường hợp giá đề nghị trúng thầu thấp dưới 50% giá gói thầu được duyệt thì được phép thành lập tổ thẩm định liên ngành để yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan.
Theo đó, việc xử lý tình huống trong đấu thầu nêu tại Khoản 9, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Trường hợp việc thẩm định các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu là phức tạp thì chủ đầu tư cần báo cáo, xin ý kiến của người có thẩm quyền để thành lập tổ thẩm định liên ngành (Điểm a, Khoản 2 Điều 86 Luật Đấu thầu).