Chủ động bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

PTĐT - Chuỗi ngày nắng nóng cao điểm và những cơn mưa giông vào buổi chiều làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là những người lao động ngoài trời, người cao tuổi và trẻ em.

Trong thời tiết nắng nóng, cần chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe người cao tuổi, đề phòng nguy cơ đột quỵ

Trong thời tiết nắng nóng, cần chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe người cao tuổi, đề phòng nguy cơ đột quỵ

PTĐT - Chuỗi ngày nắng nóng cao điểm và những cơn mưa giông vào buổi chiều làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là những người lao động ngoài trời, người cao tuổi và trẻ em. Mùa hè cũng là thời điểm các loại vi-rút, côn trùng gây bệnh phát triển, gây ra một số bệnh truyền nhiễm, bệnh theo mùa và nguy cơ đột quỵ tăng cao. Do đó, mỗi người dân cần chủ động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để phòng, tránh những nguy cơ nhiễm bệnh đột quỵ, tai biến, sốc nhiệt.
Trong thời gian qua, thời tiết có diễn biến bất thường, cực đoan, đỉnh điểm là những đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt là vào buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe người dân. Anh Tạ Hoài Nam (Phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) làm nghề vận chuyển hàng cho biết: “Mấy năm trước, tôi thường chủ quan, nghĩ rằng nắng nóng chi làm đen da chứ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên rất hay bị dị ứng, ho sốt, viêm họng, thậm chí viêm da do làm việc dưới trời nắng. Rút kinh nghiệm, trong đợt cao điểm nắng nóng này, tôi chủ động giảm bớt thời gian làm việc ngoài trời, nếu có phải đi ngoài đường thì tôi cũng lựa chọn những đoạn đường có bóng cây, điều chỉnh thời gian giao hàng vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn để đảm bảo sức khỏe.”.Việc kinh doanh cửa hàng hoa tươi của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn) bị xáo trộn khá nhiều khi phải cắt cử thành viên trông con nhỏ. Chị Thúy cho biết: “Sau khi theo dõi, thấy cháu sốt cao, gia đình tôi đã đưa cháu đi khám tại Trung tâm Y tế huyện. Các bác sỹ thăm khám, kết luận cháu bị viêm họng cấp, nguyên nhân do trong mùa nắng nóng, gia đình thường xuyên để quạt, điều hòa… gây ảnh hưởng đến họng của cháu”.Anh Nguyễn Văn Thắng (Phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) là chủ một xưởng cơ khí nhỏ với 4 nhân công. Mùa nắng nóng, nhu cầu lắp đặt các thiết bị chống nóng tăng cao, môi trường làm việc thường xuyên trên các tầng thượng, nóc nhà… nên cảm nhận thấy rất rõ sự ảnh hưởng đến sức khỏe trong ngày nắng. Anh Thắng chia sẻ: “Nhiệt độ ở tầng thượng, mái nhà có khi đến 45 – 50 độ nên chúng tôi không thể làm việc liên tục mà cứ 30 phút lại phải nghỉ. Mùa này, cánh thợ dễ bị viêm họng do sử dụng nhiều nước đá, nhưng nguy hiểm hơn là làm việc trên cao rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt thì rất nguy hiểm. Bởi vậy chúng tôi không thể tham việc mà chủ quan cho sức khỏe của mình”…Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày có khoảng 700-800 bệnh nhân tới khám, chữa bệnh. Đợt nắng nóng cao điểm vừa qua, Khoa Cấp cứu tại bệnh viện đã tiếp nhận một ca bị say nắng, sốc nhiệt phải nhập viện; Khoa Đột quỵ tiếp nhận 1 – 2 ca/ngày... Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu, mọi người nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành; đặc biệt, phải lưu ý các bệnh lý về đường hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián, dễ gây ngộ độc thực phẩm. Đối với trẻ em, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ một số bệnh như thủy đậu, phế cầu, rota vi-rút... Dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm, bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, trẻ dễ bị bệnh viêm họng, viêm phổi... Với những người từ 60 tuổi trở lên thường có nguy cơ cao các bệnh huyết áp, tim mạch…, làm phản xạ kém dần, dễ xảy ra đột quỵ. Nhóm người trong độ tuổi lao động có sức khỏe tốt hơn, tuy nhiên trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức của cơ thể vẫn có thể bị sốc nhiệt dẫn tới hôn mê, đột quỵ. Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần chú ý các biện pháp bảo vệ cơ thể, nếu thời tiết quá nắng thì phải tạm dừng công việc, kéo giãn thời gian làm việc để tránh nắng. Đối với những người không thường xuyên làm việc trực tiếp dưới nắng nóng cũng cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tránh những nguy cơ bị sốc nhiệt, bởi việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong phòng điều hòa, trong xe ô tô có điều hòa hoặc những nơi mát mẻ ra môi trường nắng nóng dễ gây sốc nhiệt, cảm sốt, viêm họng… Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý đảm bảo sức khỏe thông qua chế độ dinh dưỡng, uống tối thiểu từ 1,5 – 2 lít nước/ngày, tham gia luyện tập thể dục thể thao đúng giờ để đảm bảo hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động xấu của môi trường đến sức khỏe.Dự báo, trong thời gian tới, nắng nóng và những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục kéo dài, vì vậy trong những ngày nắng nóng, người dân cần chú ý tránh làm việc ngoài trời quá lâu trong khoảng thời gian từ 10h đến16h, phòng tránh nguy cơ đột quỵ hoặc sốc nhiệt do nhiệt độ tăng cao. Nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202007/chu-dong-bao-ve-suc-khoe-trong-thoi-tiet-nang-nong-171901