Chủ động các giải pháp phòng, chống nắng nóng trên đàn vật nuôi
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có Công văn số 1007/SNN-CNTY đề nghị UBND huyện, thành phố chủ động các giải pháp phòng, chống nắng nóng trên đàn vật nuôi, giảm thiểu tác hại của nắng nóng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND huyện, thành phố cần chủ động chủ động các giải pháp phòng, chống nắng nóng trên đàn vật nuôi xây dựng phương án phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Tập trung chỉ đạo và áp dụng các biện pháp khả thi trong phòng, chống nắng nóng nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi ở địa phương. Cử các đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Thống kê đầy đủ thiệt hại về vật nuôi do ảnh hưởng của nắng nóng kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương; thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi, tập trung phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi.
Những ngày nắng nóng, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… tăng chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn cho gia súc, gia cầm. Bảo đảm thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống.
Đối với những khu vực không có đủ nguồn nước, cần có hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, dự trữ nước để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ cho chăn nuôi. Đối với gia súc chăn thả, những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn nước và bổ sung thức ăn tại chuồng.
Đối với gia cầm nuôi nhốt với mật độ vừa phải, điều chỉnh mật độ theo tốc độ lớn và biểu hiện của đàn gia cầm. Nếu thời tiết quá nóng có thể chăn thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Đối với lợn bảo đảm mật độ nuôi nhốt lợn nái 3-4 m² /con, lợn thịt 2 m² /con; cho lợn uống đủ nước. Tăng cường chăm sóc gia súc non do khi thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây giảm sức đề kháng, dễ phát sinh dịch bệnh.
Chuồng trại cần được giữ vệ sinh sạch sẽ. Những ngày nhiệt độ cao nên phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt tiểu khí hậu chuồng nuôi. Trồng cây xanh xung quanh chuồng, để tán cao, tạo bóng mát cho mái chuồng trại, bảo đảm lưu thông gió dưới mái chuồng.
Bảo đảm nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác. Tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi. Phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng.
TS