Chủ động cao nhất trong phòng chống dịch

Tuy Hải Dương có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi gần 60 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch với tinh thần chủ động cao nhất.

Thông tin một người ở TP Hải Dương tự nguyện xin cách ly (vì từng ngồi ngay hàng ghế trước 2 bệnh nhân người Anh nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN163 Hà Nội-Đà Nẵng) có kết quả xét nghiệm âm tính khiến hàng nghìn người trong tỉnh, nhất là ở TP Hải Dương thở phào nhẹ nhõm.

Bởi ngay trước khi cách ly, nhà người đàn ông diện F1 này có đám tang nên có rất nhiều người đến viếng và tiếp xúc trực tiếp với ông. Sau khi viếng đám ma, những người này lại tỏa về các cơ quan, gia đình và đi nhiều nơi khác nữa. Vì thế, ngay khi đối tượng F1 cách ly và trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, khá nhiều người diện F2 (tiếp xúc với F1) đã phải tự cách ly tại nhà trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu.

Những người có tiếp xúc với nhóm F2 cũng phấp phỏng chờ tin. Thật khó có thể tưởng tượng nếu F1 có kết quả dương tính thì hậu quả sẽ ra sao. Chắc chắn số người nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân vì diện tiếp xúc của ông rất rộng, phạm vi di chuyển không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Giờ tuy đã có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng đây cũng là một bài học cho chúng ta trong việc phòng dịch bởi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất nhanh, khả năng lây nhiễm cao khi có tiếp xúc trực tiếp hoặc trong phạm vi gần. Thực tế lây lan nhanh chóng của Covid-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), tại Ý, Hàn Quốc... đã chứng minh. Và trong cuộc chiến với đại dịch này, nước nào làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly kịp thời những người nhiễm, nghi nhiễm, những người tiếp xúc gần với những người nhiễm, nghi nhiễm mới có thể khống chế được dịch.

Việc người nọ tự nguyện xin đi cách ly tập trung và nhiều người tự nguyện cách ly tại nhà là rất đáng hoan nghênh. Điều đó cho thấy tinh thần chủ động, tự giác trong công tác phòng dịch của mỗi cá nhân và điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi trong cả nước đã xuất hiện những trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly, thậm chí đáng lên án hơn như có doanh nhân còn tráo nhân viên đi cách ly thay... Những hành vi ấy bị lên án mạnh mẽ vì không chỉ vô trách nhiệm với chính bản thân mình mà còn với cộng đồng.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Cuộc chiến chống Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới. Trong tỉnh, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cả các tôn giáo... cũng đã có nhiều giải pháp thiết thực để phòng chống dịch.

Một số cơ quan thực hiện đo thân nhiệt cho người tới làm việc, giao dịch; trang bị nước rửa tay, xà phòng, cồn... để cán bộ, nhân viên và khách tới giao dịch sát khuẩn tay. Nhiều giáo xứ giảm một số nghi lễ để phòng chống dịch như tạm ngừng các lớp giáo lý và sinh hoạt thiếu nhi. Những người có triệu chứng sốt và ho không được dự lễ. Giáo xứ Kẻ Sặt và Thánh An tôn đã dừng tổ chức cuộc hành hương giới trẻ. Trong các thánh lễ, giáo dân rước lễ trên tay thay vì trên miệng...

Các ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên cả trong nước và trên thế giới. Ngay cả ở những nước phát triển có điều kiện kinh tế, y tế... mạnh như ở Ý cũng đang không khống chế nổi dịch. Dịch không từ một ai, từ chính khách, cầu thủ, cho tới dân thường, từ người giàu cho tới người nghèo... Vì vậy, tuy Hải Dương có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi hơn 2.500 người đã hết thời gian cách ly, gần 60 mẫu xét nghiệm gửi về đều có kết quả âm tính, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch với tinh thần cảnh giác, chủ động cao nhất.

KIM THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/chu-dong-cao-nhat-trong-phong-chong-dich-130620