Chủ động chăm sóc lúa mùa mưa, bão
Kiên Giang đang bước vào cao điểm mùa mưa, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và ngập úng cục bộ diện tích lúa hè thu và thu đông năm 2023. Để đảm bảo sản lượng, năng suất và chất lượng lúa sau thu hoạch, ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa trong mùa mưa, bão.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến ngày 8-8, toàn tỉnh thu hoạch 116.342ha lúa hè thu năm 2023, đạt 41,8% diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 5,74 tấn/ha, ước sản lượng 667.082 tấn.
Lúa vụ thu đông năm 2023, tỉnh gieo sạ được 77.180ha, tăng gần 6.000ha so kế hoạch đề ra, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành và TP. Rạch Giá.
Thị trường lúa gạo trong nước và thế giới có nhiều khởi sắc, nhu cầu thu mua gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng mạnh, giá thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh tăng cao. Tại một số địa phương, mặc dù lúa chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có thương lái đến xem, đặt cọc để thu mua.
Các giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái mua giá cao như lúa ST24 dao động từ 7.500-8.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 7.400-7.600 đồng/kg. Lúa Nhật duy trì ở mức 7.800-8.000 đồng/kg.
Thêm vào đó, giá nhiều loại phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật có chiều hướng giảm, tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất. Nông dân trong tỉnh rất phấn khởi vì vụ hè thu năm 2023 được mùa, trúng giá, tiếp thêm động lực khi bước vào sản xuất vụ thu đông.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, nông dân vẫn lo ngại tình hình mưa, bão sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa sau thu hoạch. Ông Danh Sơn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: “Hiện nay phần lớn diện tích lúa hè thu năm 2023 của thành viên hợp tác xã đang trong giai đoạn đòng trổ. Những ngày qua, mưa rải rác, mực nước trong ruộng cao gây ngập một số trà lúa, nông dân chủ động bơm rút nước ra kịp thời để tránh ngập úng”.
Theo ông Sơn, lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ khi gặp mưa nhiều, ngập úng sẽ làm bộ rễ lúa yếu, kém hấp thu dinh dưỡng, dễ bị lem lép hạt, năng suất sẽ giảm.
Có gần 2ha lúa hè thu đang giai đoạn đòng trổ bị ngập úng từ đợt mưa diện rộng tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp An Thành, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chia sẻ: “Sau đợt ngập úng vừa qua, lúa kém phát triển, sâu bệnh nhiều nên tôi tốn thêm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến thời điểm thu hoạch, tôi thấp thỏm lo gặp mưa bão, lúa ngập sâu sẽ không thu hoạch bằng máy được, phải thuê nhân công cắt tay chi phí cao, lại khó tìm người”.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 10-2023, tình hình mưa, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày có khả năng gây ngập úng, đổ ngã các diện tích lúa hè thu và thu đông năm 2023 chưa thu hoạch.
Theo đồng chí Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, thời gian thu hoạch lúa tập trung trong tháng 8 và tháng 9, đây là thời điểm có mưa nhiều. Để bảo vệ diện tích lúa, các địa phương cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết nắng ráo tiến hành thu hoạch nhanh, đúng thời điểm lúa chín (80-85% hạt có màu vàng rơm), tạo điều kiện tốt nhất về vận chuyển.
Nông dân không nên để lúa chín quá mới thu thu hoạch vì dễ rơi rụng lúa ngoài đồng, ảnh hưởng sản lượng; lúa tồn đọng trên đồng trong mùa mưa dễ hư hỏng. Các địa phương cần thông tin kịp thời diễn biến thiên tai, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ đến người dân để chủ động trong sản xuất, chăm sóc và bảo quản lúa sau thu hoạch; chủ động kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao chắc chắn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, trong điều kiện mưa nhiều, nông dân nên tranh thủ bơm tát nước kịp thời. Khi nước rút tiến hành các biện pháp chăm sóc lúa bằng cách bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa; sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng cường bổ sung thêm phân chứa canxi, silic giúp cứng cây, hạn chế đổ ngã.
Mùa mưa, độ ẩm không khí cao là điều kiện thích hợp để các loài nấm và vi khuẩn gây bệnh trên lúa phát sinh và lây lan theo nguồn nước, nhất là trên những ruộng lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Nông dân nên chú ý một số bệnh trên lúa thường gặp vào mùa mưa như đạo ôn lá, cháy bìa lá, vàng lá chín sớm, lem lép hạt. Đồng thời, cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh sớm phát sinh trên lúa để phòng trừ hiệu quả.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/chu-dong-cham-soc-lua-mua-mua-bao-16257.html