Chủ động chăm sóc sức khỏe cho gia đình
PTĐT - Theo thống kê của WHO, hơn 60% số ca tử vong do bệnh tật trên thế giới là do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, xu hướng bệnh tật cũng thay đổi, sự bùng phát của các bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,...
PTĐT - Theo thống kê của WHO, hơn 60% số ca tử vong do bệnh tật trên thế giới là do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, xu hướng bệnh tật cũng thay đổi, sự bùng phát của các bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,... rất đáng báo động. Vậy làm thế nào để chủ động chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy - Khoa tư vấn và chăm sóc sức khỏe gia đình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chị Nguyễn Phương Thảo - phường Minh Phương, TP Việt Trì.
- Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy có thể cho biết chăm sóc sức khỏe chủ động là gì và tại sao lại phải chăm sóc sức khỏe chủ động?
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy: Điều quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề về sức khỏe là ý thức chủ động của chính con người trong việc bảo vệ sức khỏe. Chăm sóc sức khỏe chủ động là một xu hướng mới trong lĩnh vực y tế. Trong đó, mỗi người có thể chủ động theo dõi, nắm bắt tình trạng sức khỏe để có được những tác động, xử trí kịp thời. Theo thống kê, cơ thể con người có khả năng tự bảo vệ sức khỏe lên đến 31%, vì thế, cơ thể chính là “bác sĩ” chữa bệnh hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, đối với một cơ thể sống quá “nghèo nàn” dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất sẽ không bao giờ có đủ sức đề kháng để chống lại dịch bệnh và ung thư.- Có thể thấy chủ động chăm sóc sức khỏe là một việc làm rất cần thiết. Vì vậy bác sỹ có thể cho biết, khi thời tiết giao mùa và trong những thời điểm dịch bệnh gia tăng thì những đối tượng nào dễ bị nhiễm bệnh?
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy: Trong thời điểm hiện nay có nhiều vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm không an toàn, ô nhiễm môi trường nặng nề khiến cho nhiều dịch bệnh bùng phát, diễn biến trong thời gian dài. Đặc biệt đối với những thời điểm giao mùa giữa thời tiết nóng sang mùa lạnh, những người có hệ miễn dịch bị suy giảm rất dễ bị ảnh hưởng, tập trung nhiều các nhóm bệnh đối với người già và trẻ nhỏ như các bệnh về hô hấp, bệnh về xương khớp, bệnh lây nhiễm do vi rút, vi khuẩn, các bệnh về da liễu như dị ứng, viêm da…Là một bà mẹ có hai con nhỏ, chị Nguyễn Phương Thảo có thể cho biết mình đã có sự quan tâm như thế nào đến việc chăm sóc sức khỏe cho con trong những thời điểm “nhạy cảm”?
Chị Nguyễn Phương Thảo: Khi mình có đứa con đầu tiên do kinh nghiệm chưa có nên việc chăm sóc, theo dõi những diễn biến, thay đổi về cơ thể của con gần như rất hạn chế. Nhưng qua sách báo và tư vấn của các bác sỹ mình cũng tự trang bị thêm cho bản thân kiến thức để bảo vệ con. Trước hết là nắm bắt được những bệnh nào trẻ em có thể mắc phải và những biểu hiện có thể nhận biết qua quan sát. Nhưng theo mình điều đầu tiên là phải duy trì việc tiêm vắc xin đầy đủ theo đúng thời gian để giúp con tăng sức đề kháng. Trong sinh hoạt thì đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi, vòm họng, vệ sinh tay chân, khi ra ngoài mặc ấm và đeo khẩu trang. Tôi cũng thường xuyên phối hợp với giáo viên của cháu để đảm bảo theo dõi tình hình sức khỏe, nhất là những thời điểm có bệnh dịch.- Qua chia sẻ của chị Phương Thảo, có thể thấy hiện nay nhiều gia đình đã quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Vậy bác sỹ có thể cho biết, cách chăm sóc sức khỏe tại gia đình trong thời điểm giao mùa và “bùng phát” các dịch bệnh như hiện nay?
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy: Như tôi đã đề cập, những đối tượng dễ bị mắc bệnh là khi hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng nên đầu tiên để bảo vệ sức khỏe cho gia đình bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nhất là đối với người già, lựa chọn môn thể thao phù hợp để tăng cường thể lực. Việc tiêm phòng vắc xin là rất cần thiết, không chỉ riêng đối với trẻ em mà cả người lớn cũng nên tiêm để tăng sức đề kháng cho bản thân. Ngoài ra việc vệ sinh môi trường sống cũng phải duy trì thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ, không để vi khuẩn có môi trường sinh sôi, phát triển. Đối với những thời điểm dịch bệnh người già, trẻ nhỏ nên có biện pháp cách ly, nếu không cần thiết thì không đến những nơi tập trung đông người.- Theo bác sỹ Kim Thúy thì việc phòng bệnh trong mỗi gia đình là rất cần thiết, vậy là một người mẹ, một người vợ chị đã có cách làm, biện pháp nào để bảo vệ gia đình mình?
Chị Nguyễn Phương Thảo: Qua tư vấn của các bác sỹ, cũng như tham khảo từ sách báo, các trang thông tin về sức khỏe, mình cũng xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với gia đình. Tôi cũng lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo, thay đổi một số món ăn phù hợp với trẻ con, người già. Nhất là những thời điểm giao mùa, tăng cường nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hàng năm cũng duy trì việc khám bệnh định kỳ cho bố mẹ và bản thân. Trong gia đình lúc nào cũng có tủ thuốc với những loại thuốc thông thường. Tôi cũng hay sử dụng, kết hợp các loại gia vị, các loại cây thuốc xung quanh trong món ăn. - Qua nghe chia sẻ của chị Phương Thảo, bác sỹ có thêm lời khuyên đối với các gia đình trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe tại gia đình?
Hiện nay việc chủ động chăm sóc sức khỏe được các gia đình thực hiện khá tốt. Đặc biệt nhiều gia đình có tủ thuốc cá nhân để kịp thời xử trí những vấn đề có liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc như thế nào, trong các tình huống nào cần phải có sự tư vấn của các bác sỹ, không sử dụng, lạm dụng một cách bừa bãi. Đối với những biểu hiện khác thường cần phải đưa đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Nhất là với những dịch bệnh lây lan cần phải có biện pháp cách ly đảm bảo điều kiện cho cả gia đình và cộng đồng.Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thúy và chị Nguyễn Phương Thảo.