Chủ động chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Vì vậy, các cơ sở đào tạo sư phạm (ĐTSP) đã có những thay đổi về chương trình đào tạo nhằm bắt kịp với việc triển khai CTGDPT mới trong thời gian tới.

Chủ động xây dựng chương trình đào tạo mới

Với bề dày truyền thống về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế là một trong những cơ sở giáo dục trọng điểm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Để đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới, năm học 2019-2020, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép mở thêm 7 mã ngành mới, gồm: Sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm âm nhạc, sư phạm công nghệ, giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, sư phạm lịch sử-địa lý và hệ thống thông tin.

Theo PGS, TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế, 7 mã ngành mới này đều gắn bó mật thiết với CTGDPT mới chính thức đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021. Trong CTGDPT mới sẽ có một số môn được giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn, trong khi đó hiện nay sinh viên sư phạm khi ra trường chỉ dạy đơn ngành. Để đáp ứng với sự đổi mới của giáo dục, việc bổ sung đội ngũ dạy học theo hướng tích hợp liên môn là rất cần thiết. Cùng với đó, việc tuyển sinh hai mã ngành giáo dục công dân và giáo dục pháp luật của nhà trường là cần thiết trong tình hình hiện nay. Bởi trong chương trình mới, môn Giáo dục công dân sẽ được đưa vào giảng dạy ở cả 3 cấp học. Ngành hệ thống thông tin cũng là một trong những ngành mới được nhà trường đặt nhiều kỳ vọng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0.

 Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Để đón đầu CTGDPT mới, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng đang từng bước mở rộng ngành nghề đào tạo, tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo giáo viên cho địa phương. TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, sinh viên hiện có để đáp ứng chương trình mới, đồng thời xây dựng, biên soạn hệ thống tài liệu về năng lực phát triển chương trình mới cho các trường phổ thông. Sắp tới, nhà trường sẽ kiện toàn chương trình đào tạo giáo dục trung học theo hướng tích hợp. Chương trình này giúp sinh viên khi ra trường có thể dạy các môn: Lịch sử, Địa lý hay Vật lý, Hóa học, Sinh học ở cấp THCS, đồng thời có khả năng phân hóa ở cấp THPT. Chương trình sẽ mở rộng cơ hội học tập và việc làm cho sinh viên thay vì chỉ đào tạo đơn ngành theo từng môn học”.

Đào tạo gắn với phát triển năng lực

CTGDPT mới được các chuyên gia đánh giá vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của CTGDPT hiện hành. Trong CTGDPT mới có thêm một số môn học mới nhưng theo quan điểm của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Bản chất của những môn học mới này đều dựa trên nền tảng tri thức cốt lõi. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của CTGDPT mới, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, các cơ sở ĐTSP cần phải bồi dưỡng chuyên môn, năng lực cho đội ngũ giáo viên hiện có. Đây cũng là việc mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang làm trong thời gian qua.

PGS, TS Nguyễn Đức Vũ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế cũng cho rằng: “Để đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới, các trường sư phạm trước hết cần phải rà soát, chỉnh sửa và xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với chương trình mới. Đồng thời, thực hiện triệt để việc đổi mới phương pháp giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên, gắn đào tạo ở trường sư phạm với thực tế giáo dục phổ thông”.

Tự bồi dưỡng để đón đầu chương trình mới

Theo lộ trình, CTGDPT mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, chỉ còn ít thời gian nữa chương trình mới sẽ được áp dụng.

Là giáo viên đã tham gia tập huấn triển khai CTGDPT mới, cô giáo Lê Thị Liên (Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho rằng: “Ưu điểm của CTGDPT mới là được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực và tư duy sáng tạo của học sinh. Đây là những vấn đề mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Tuy nhiên, để triển khai theo đúng yêu cầu chương trình mới, mỗi giáo viên phải tự trau dồi đạo đức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT phải tăng cường các đợt tập huấn để đội ngũ giáo viên sẵn sàng bắt nhịp với yêu cầu của đổi mới giáo dục”.

Thời gian qua, để chương trình mới được triển khai theo đúng lộ trình và đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tích cực thực hiện nâng cao năng lực của các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm theo “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (gọi tắt là Chương trình ETEP). Bộ cũng yêu cầu các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên để thực hiện các môn học mới theo CTGDPT mới...

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại khi triển khai CTGDPT mới. Vì vậy, để chuẩn bị cho chương trình, Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, để thực hiện cho lộ trình tăng tốc, bộ đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-BGDĐT chi tiết các hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện CTGDPT mới năm 2019 với lộ trình cụ thể. Theo kế hoạch này, sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ cốt cán cùng với các chuyên gia của 8 cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông qua internet. “Theo lộ trình này, chắc chắn đội ngũ giáo viên sẽ bảo đảm cả số lượng và chất lượng, đáp ứng theo mục tiêu, yêu cầu của CTGDPT mới”, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chu-dong-chuan-bi-doi-ngu-giao-vien-597582