Thí điểm một số ngành lĩnh vực sức khỏe: Trường ĐH lo thiếu đội ngũ khi mở ngành

Đào tạo thí điểm một số ngành lĩnh vực khoa học sức khỏe sẽ cung ứng nhân lực chuyên sâu và chất lượng cao, phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học.

Ở trình độ đại học, Bộ cho phép thí điểm 40 mã ngành. Trong lĩnh vực sức khỏe, Bộ cho phép thí điểm các ngành như: Công nghệ dược phẩm, Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Kỹ thuật y học thể dục thể thao, Dụng cụ chỉnh hình chân tay giả, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật gây mê hồi sức.

Theo cơ sở giáo dục đại học, đây là cơ hội để các trường có thêm cơ sở đa dạng ngành đào tạo.

Thí điểm một số ngành lĩnh vực sức khỏe là việc cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Đình Tuyên - Phụ trách Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đánh giá cao quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thầy Tuyên, đây sẽ là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển các ngành đào tạo, cung ứng nhân lực chuyên sâu và có chất lượng cao, phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Khi điều kiện sống và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một nâng cao, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế ngày càng phát triển thì nhu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực y tế phải được chuyên môn hóa và đào tạo chuyên sâu là việc hết sức hợp lý.

Do đó, việc đào tạo các ngành thí điểm như Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là việc hết sức cần thiết và phù hợp đối với ngành y tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, thầy Tuyên nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, một số ngành học trong danh mục ngành đào tạo thí điểm do Bộ ban hành hiện đang được đào tạo dưới hình thức một chuyên ngành sau đại học hoặc một môn học trong chương trình đào tạo của ngành học gần.

Thế nên, yêu cầu đào tạo chuyên sâu đối với một số ngành học này là việc rất khó khăn, dù trên thực tế, khi tác nghiệp tại thực tiễn thì các ngành nghề này có yêu cầu trình độ và kỹ năng chuyên sâu, chuyên biệt.

Do đó, khi Bộ ban hành danh mục các ngành đào tạo thí điểm thì đối với các cơ sở giáo dục đại học đây chính là một tín hiệu khả quan, là cơ sở và điều kiện thuận lợi để nhà trường làm thủ tục mở mã ngành đào tạo các ngành học này.

 Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Vẫn còn khó khăn về điều kiện nhân lực khi mở ngành mới

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Tuyên, hiện nay, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang đào tạo ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng gồm các chuyên ngành: Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu; ngành Điều dưỡng có chuyên ngành Điều dưỡng gây mê hồi sức.

Đối chiếu với danh mục các ngành đào tạo thí điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có 02 ngành là thế mạnh đào tạo của nhà trường là Kỹ thuật gây mê hồi sức và Vật lý trị liệu.

Ngôn ngữ trị liệu và Hoạt động trị liệu được trường triển khai thí điểm đào tạo năm 2021 dưới hình thức là một chuyên ngành của ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, thầy Tuyên cho hay, nếu sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng và muốn học lên trình độ cao hơn tại nước ngoài thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì hiện nay ở một số quốc gia, chỉ có ngành Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu được đào tạo sau đại học.

Do đó, việc một số ngành học trong danh mục ngành đào tạo thí điểm trước đây chỉ là một chuyên ngành, một môn học của chương trình đào tạo ngành học gần khi được phát triển trở thành một ngành chính thức có mã ngành riêng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả người học và cơ sở giáo dục đại học.

 Vật lý trị liệu thuộc thế mạnh đào tạo của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ảnh website trường

Vật lý trị liệu thuộc thế mạnh đào tạo của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ảnh website trường

Mặt khác, nhìn nhận từ thực tế khi các cơ sở giáo dục đại học chính thức đào tạo ngành thí điểm, Thầy Tuyên cũng đánh giá về những thuận lợi và khó khăn mà các cơ sở đào tạo sẽ phải đối mặt.

Thầy Tuyên chia sẻ, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có truyền thống và thương hiệu về đào tạo kỹ thuật y học trong hơn 60 năm qua. Nhà trường sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ và giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại cùng chương trình đào tạo đạt chuẩn.

Ngoài ra, trường còn có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở thực hành là các bệnh viện từ trung ương đến địa phương.

Về những thách thức, khó khăn ban đầu, theo thầy Tuyên, vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và chuyên sâu là khó khăn lớn nhất trong việc hoàn thiện các điều kiện mở ngành thí điểm.

Bởi, khi chuyển đổi chuyên ngành thành một ngành mới độc lập thì cũng phải đảm bảo các điều kiện mở ngành, đặc biệt là vấn đề giảng viên trình độ tiến sĩ, giảng viên thỉnh giảng đúng chuyên ngành. Trong khi đó, vì là các ngành lần đầu tiên xuất hiện nên việc tuyển dụng, chiêu mộ đội ngũ giảng viên đáp ứng những yêu cầu theo quy định còn nhiều hạn chế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chỉ mới đảm bảo đủ nhân lực theo quy định mở ngành đối với 02 ngành thí điểm Vật lý trị liệu và Kỹ thuật Gây mê hồi sức.

Với ngành Hoạt động trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu, thầy Tuyên cho hay đây là khó khăn chung đối với các trường y vì hiện nay trong nước chưa có cơ sở giáo dục đại học nào đào tạo các mã ngành Hoạt động trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu ở tất cả các trình độ từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

“Trong những năm qua, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã cử các giảng viên đi đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu và Vật lý trị liệu ở nước ngoài để có thể đảm bảo các yêu cầu đạt chuẩn trong đào tạo.

Thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển nhân lực, đảm bảo về số lượng và trình độ, đặc biệt là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ để đảm bảo đủ các điều kiện mở ngành thí điểm”, thầy Tuyên bày tỏ.

Không ngoại lệ, tại Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng cũng gặp những vấn đề tương tự trong quá trình hoàn thiện hồ sơ mở ngành.

 Trường Y Dược - Đại học Đà Nẵng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực y tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Ảnh website nhà trường.

Trường Y Dược - Đại học Đà Nẵng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực y tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Ảnh website nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho cho biết, sau 17 năm hình thành và phát triển, Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng đã tuyển sinh và đào tạo 5 ngành trình độ đại học gồm bác sĩ Y khoa, bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học cũng như nhiều khóa đào tạo chứng chỉ chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Hiện nay, trường đang xây dựng các đề án mở ngành đào tạo đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế cho xã hội. Mong muốn hiện nay của nhà trường chính là có thể mở thêm 5-6 ngành học mới, trong đó có một số ngành thuộc danh mục các ngành đào tạo thí điểm.

Tuy nhiên, nếu phải theo quy định, điều kiện mở ngành hiện tại thì các trường y dược nói chung và Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng nói riêng khó có thể đáp ứng đủ các điều kiện mở ngành, nhất là vấn đề về nhân sự theo tiêu chuẩn hiện hành.

Thầy Nho cũng lý giải rằng, trong yêu cầu mở ngành hiện nay có điều kiện dành cho các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng về đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành với ngành học sẽ mở.

Thế nhưng, thực hiện điều này trên thực tế là việc khá khó khăn đối với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt với điểm xuất phát là một ngành học mới thì việc tìm kiếm đủ giảng viên đúng chuyên ngành, đúng trình độ ở thời điểm hiện tại theo yêu cầu là việc không hề dễ dàng.

"Lấy ví dụ vấn đề dinh dưỡng trong lĩnh vực y tế, theo yêu cầu hiện nay đối với các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng I đều phải có khoa Dinh dưỡng. Ứng viên ứng tuyển làm việc, công tác tại các đơn vị này thì yêu cầu phải có giấy phép hành nghề dinh dưỡng lâm sàng.

Vậy nên, yêu cầu dành cho ứng viên vào vị trí này cần phải được đào tạo bài bản chứ không thể lựa chọn những người làm dinh dưỡng thông thường.

Nhìn vào thực tế hiện nay, để tìm được một tiến sĩ, phó giáo sư đúng chuyên ngành dinh dưỡng lâm sàng là việc rất khó khăn bởi phần lớn nhân sự làm trong lĩnh vực y tế nói chung, chuyên ngành dinh dưỡng lâm sàng nói riêng chỉ có trình độ cơ bản chứ ít người được đào tạo chuyên về dinh dưỡng lâm sàng”, thầy Nho nêu ví dụ.

Mong muốn có hướng dẫn chi tiết trong việc đào tạo các ngành thí điểm

Không thể phủ nhận rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học chính là điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học có thể mở rộng thêm các ngành đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Đối với khối ngành lĩnh vực sức khỏe, đây là cơ sở để một số ngành học được đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt và bài bản, tiệm cận các chương trình đào tạo trong khu vực và quốc tế.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, danh mục ngành đào tạo thí điểm trước mắt là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường đại học có cơ sở mở ngành học mới theo đúng sứ mệnh đào tạo của mình.

Tuy nhiên, để có thể đi đến việc mở ngành và đào tạo chính thức, các cơ sở giáo dục đại học vẫn cần phải xem xét và cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng cho các nội dung này.

Cụ thể là quá trình khảo sát, đánh giá nhu cầu từ thực tiễn đang ở mức độ nào. Với các ngành đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, bên cạnh việc ghi nhận nhu cầu từ xã hội thì cần ghi nhận nhu cầu thật sự tại các bệnh viện, lúc đó mới có cơ sở thực tiễn để xây dựng hồ sơ, đề án mở ngành.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan yêu cầu về trình độ, năng lực của các chức danh nghề nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo đáp ứng với yêu cầu về chuẩn năng lực.

Đánh giá chung tình hình hiện nay tại Việt Nam, số lượng bệnh viện công tương đối nhiều và vấn đề cần đặc biệt quan tâm chính là chức danh nghề nghiệp tại các bệnh viện đã được Nhà nước quy định.

Khi đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ xây dựng được chương trình đào tạo ngành học cùng chuẩn đầu ra tương ứng với chức danh tại bệnh viện đã được quy định, tránh trường hợp đào tạo xong nhưng người học vẫn phải loay hoay tìm kiếm việc làm do không có mã chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Mặt khác, khi đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với đầu vào của đơn vị sử dụng lao động thì sẽ tạo thuận lợi các đơn vị tuyển dụng, nhất là các cơ quan hành chính, sự nghiệp được mạnh dạn tuyển dụng mà không ngại sai phạm.

Để thống nhất vấn đề này, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, cơ quan Nhà nước buộc phải xây dựng một tiêu chuẩn năng lực riêng cho mỗi vị trí việc làm. Bên cạnh việc ban hành danh mục đào tạo ngành thí điểm, cần có một cơ chế, chính sách, quy định cụ thể ứng với mỗi ngành học, chương trình đào tạo.

Qua đó, các các cơ sở giáo dục đại học không chỉ được hướng dẫn mà còn có cơ sở đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Tuyên cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn chi tiết hơn về các ngành đào tạo thí điểm. Bộ cần xây dựng các quy định cụ thể về các chế độ ưu tiên, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai đào tạo thí điểm.

"Với trường hợp các cơ sở giáo dục đại học chưa có tiến sĩ đúng ngành để đáp ứng điều kiện mở ngành như quy định thì các đơn vị có được chuyển sang tiến sĩ ngành gần hay không?

Đối với các ngành đào tạo thí điểm, nếu được tạo điều kiện trong việc giảm bớt tiêu chí về nhân lực thực hiện triển khai chương trình đào tạo thì các trường đại học sẽ có thêm thuận lợi và “nhẹ” hơn trong quá trình mở ngành.

Ngoài ra là những đánh giá về tính hiệu quả của các ngành học này trong thực tiễn để giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm cơ sở đảm bảo đầu ra cho người học", thầy Tuyên chia sẻ.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-diem-mot-so-nganh-linh-vuc-suc-khoe-truong-dh-lo-thieu-doi-ngu-khi-mo-nganh-post243679.gd