Chủ động cung ứng đủ điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành, cần chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện...

Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 1/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Chỉ thị nhấn mạnh vai trò của năng lượng điện trong việc duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kỷ lục trong vòng 50 năm và mức tiêu thụ điện đạt đỉnh hơn 1 tỷ kWh/ngày, hệ thống điện quốc gia vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, những bất cập trong Quy hoạch điện VIII và vướng mắc về cơ chế, chính sách đã khiến nhiều dự án nguồn điện không đạt tiến độ. Dự kiến, đến năm 2025, chỉ có 56,7% kế hoạch phát triển nguồn điện được hoàn thành, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong giai đoạn 2026-2028.

Theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức tăng trưởng điện năng dự kiến cần đạt từ 12% đến hơn 16% mỗi năm, tương ứng với việc bổ sung từ 8.000-10.000 MW/năm. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển nguồn điện bền vững, đặc biệt là các nguồn điện xanh và sạch.

Dự kiến, đến năm 2025, chỉ có 56,7% kế hoạch phát triển nguồn điện được hoàn thành, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong giai đoạn 2026-2028.

Dự kiến, đến năm 2025, chỉ có 56,7% kế hoạch phát triển nguồn điện được hoàn thành, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong giai đoạn 2026-2028.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế huy động tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nguồn điện và truyền tải điện. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số và công nghệ cao.

Các cơ quan, đơn vị phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành nhanh các công trình, dự án nguồn điện và lưới truyền tải điện; tuyệt đối không để ách tắc do chậm xử lý thủ tục hành chính.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai. Đồng thời, Bộ cần rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để cập nhật các yêu cầu mới, bổ sung nguồn điện xanh, sạch, bền vững, loại bỏ các dự án chậm tiến độ, hoàn thành trước ngày 28/2/2025.

Các dự án nguồn điện trọng điểm như LNG Nghi Sơn, LNG Cà Ná cần được triển khai ngay và hoàn thành sớm nhất. Đối với các dự án đã có kế hoạch vận hành trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương phải chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thời gian vận hành sớm hơn kế hoạch từ 1-2 năm.

Đồng thời, việc triển khai xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chi tiết liên quan đến Luật Điện lực số 61/2024/QH15 phải được thực hiện trước ngày 1/2/2025, đặc biệt là các quy định liên quan đến giá điện, cơ chế tiêu thụ khí khai thác trong nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với diễn biến thời tiết và yêu cầu cung ứng điện.

Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy các dự án điện mặt trời mái nhà, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tự sản xuất, tiêu thụ để giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn cũng cần được đẩy mạnh để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/chu-dong-cung-ung-du-dien-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem/20250103052707805